Thư viện tài liệu

2025-01-15 19:19:14

Thứ Bảy, ngày 30/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 30, cũng là ngày làm việc cuối của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 1: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,66% tổng số đại biểu Quốc hội), có 461 đại biểu tán thành (bằng 96,24% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 2: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 461 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,24% tổng số đại biểu Quốc hội), có 458 đại biểu tán thành (bằng 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội), có 1 đại biểu không tán thành (bằng 0,21% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 3: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 459 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,82% tổng số đại biểu Quốc hội), có 454 đại biểu tán thành (bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội), có 5 đại biểu không tán thành (bằng 1,04% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 4: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Tại phiên thảo luận có 12 lượt đại biểu phát biểu.

Đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước để phát triển công nghiệp công nghệ số, khắc phục những tồn tại, hạn chế về công nghiệp công nghệ thông tin và cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực để công nghiệp công nghệ số trở thành ngành công nghiệp nền tảng, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, cũng như phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những nội dung: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng Luật Công nghiệp công nghệ số; chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số; bảo đảm an toàn, an ninh trong hoạt động công nghiệp công nghệ số; tài sản số; tiêu chí xác định, nguyên tắc quản lý tài sản số; trách nhiệm quản lý nhà nước về tài sản số; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; thu hút nhân lực công nghệ số chất lượng cao; ưu đãi đối với khu công nghiệp công nghệ số; phát triển bền vững trong công nghiệp công nghệ số; miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm; quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo; cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước về công nghiệp công nghệ số; công nghiệp, phát triển công nghiệp bán dẫn; trí tuệ nhân tạo; tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật. Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 5: Quốc hội họp riêng, biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Buổi chiều:

Nội dung 1: Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Dữ liệu.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 458 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội), có 451 đại biểu tán thành (bằng 94,15% tổng số đại biểu Quốc hội), có 3 đại biểu không tán thành (bằng 0,63% tổng số đại biểu Quốc hội), có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,84% tổng số đại biểu Quốc hội).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường tiến hành các nội dung sau:

Nội dung 2: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 463 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,66% tổng số đại biểu Quốc hội), có 439 đại biểu tán thành (bằng 91,65% tổng số đại biểu Quốc hội), có 11 đại biểu không tán thành (bằng 2,30% tổng số đại biểu Quốc hội), có 13 đại biểu không biểu quyết (bằng 2,71% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 3: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội), có 415 đại biểu tán thành (bằng 86,64% tổng số đại biểu Quốc hội), có 19 đại biểu không tán thành (bằng 3,97% tổng số đại biểu Quốc hội), có 26 đại biểu không biểu quyết (bằng 5,43% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 4: Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội), có 443 đại biểu tán thành (bằng 92,48% tổng số đại biểu Quốc hội), có 7 đại biểu không tán thành (bằng 1,46% tổng số đại biểu Quốc hội), có 4 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,84% tổng số đại biểu Quốc hội).

Nội dung 5: (từ 15 giờ 30 phút): Quốc hội họp phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 460 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,03% tổng số đại biểu Quốc hội), có 458 đại biểu tán thành (bằng 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội), có 2 đại biểu không biểu quyết (bằng 0,42% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng trình bày dự thảo Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 464 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96,87% tổng số đại biểu Quốc hội), có 464 đại biểu tán thành (bằng 96,87% tổng số đại biểu Quốc hội).

Quốc hội nghe Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Quốc hội làm lễ chào cờ.

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.

Xây dựng hành lang pháp lý những vấn đề mới, tạo đột phá phát triển đất nước

Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét khối lượng công việc rất lớn, trong đó, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực  đang đòi hỏi cấp thiết.

(TTXVN/Vietnam+)
Top