Cúp vàng tình bạn Việt - Hàn

2024-12-20 20:12:15

Đến Việt Nam với tư cách là huấn luyện viên bóng đá, “Ngài Ngủ Gật” không thể ngờ rằng chỉ một năm sau ông đã có thêm nhiều biệt danh mới như “Phủ thủy Park”, “Thầy Park”, “Bố Park… do giới truyền thông và các cầu thủ vinh danh. Dẫn dắt một đội tuyển quốc gia thuộc “vùng trũng” của bóng đá thế giới đạt kỳ tích trên cả 3 đấu trường của châu lục và khu vực chỉ trong thời gian 1 năm, đương nhiên phải là huấn luyện viên có tài. Nhưng điều lắng đọng sâu thẳm trong trái tim của người hâm mộ, của các cầu thủ Việt Nam là tấm lòng, là nhân cách của vị huấn luyện viên người Hàn.

Park Hang-seo: 'Ông bố' nghiêm khắc nhưng đầy đáng yêu của ĐT Việt Nam

Trong cuộc sống thường nhật, các cầu thủ kính trọng ông như người cha, thân quí ông như người bạn. Đội trưởng Văn Quyết tóm tắt ông qua 6 chữ “Gần gũi, khó tính, hiền dịu”. Họ mở cuộc thi vẽ chân dung “Ông bố nghiêm khắc đáng yêu” để tặng ông. Với họ, “Ông bố nghiêm khắc đáng yêu” ấy thật nhân văn, công bằng, minh bạch, chân tình. Trực tiếp massage chân cho Đình Trọng bớt đau, đắp mặt nạ dưỡng da cho Quang Hải, Đức Chinh, chơi trò vẽ râu mèo với Đức Huy, Tiến Linh… Park Hang Seo đã kết nối khoảng cách để nâng tầm minh triết cho những học trò cưng của mình.

Chỉ 1 năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, “hội chứng” Park Hang Seo đã lan tỏa khắp châu lục, làm ông phải thốt lên: “Năm 2018 như một phép màu, như một câu chuyện cổ tích đối với tôi”. Hình ảnh ông xuất hiện liên tục trên các trang báo thể thao, màn ảnh truyền hình ở Trung Quốc, Thái lan, Malaysia, Việt Nam… trên các trang tin uy tín như “Fox Sports”, “Inter Football”, “Sports Seoul”, “Korea Times”… Hiệp hội nhà báo châu Á (Asia Jaurnalist Association) vinh danh ông là “Nhân vật tiêu biểu châu Á năm 2018”.

Đài truyền hình SBS của Hàn Quốc mua bản quyền các trận đấu của đội tuyển Việt Nam tại AFF SZUKI CUP 2018 đã lập kỷ lục số người xem (21%), điều chưa từng có đối với một chương trình phát sóng trong khung giờ vàng năm 2018. Hiện SBS đang tiếp tục thực hiện các tập của show “Wewill chanel you” (Kênh của bạn) về Park Hang Seo và đội tuyển Việt Nam cùng với các hình ảnh Hồ Gươm, phố cổ Hà Nội do MC nổi tiếng Kang Ho Dong dẫn chương trình.

Tại Việt Nam, hình ảnh Park Hang Seo không chỉ xuất hiện trên khán đài, đường phố trong mỗi trận đấu từ giải U23 châu Á đến AFF Suzuki Cup mà đã được lưu ký, định vị trên các ấn phẩm văn hóa. Park hiện diện trên bìa lịch năm Kỷ Hợi 2019 của báo “Người lao động”. Họa sỹ Trần Thế Vĩnh lấy cảm hứng từ quốc ca và quốc kỳ Việt Nam để đặc tả hồn cốt của Park, của tình bạn Việt - Hàn, với tựa đề “Người thầy của tôi”. Bức chân dung sơn dầu khổ 73x 92 này đã được bán đấu giá 247.750.000 ngày 30/12/2018 để góp vào quĩ từ thiện và quĩ tài năng hội họa trẻ.

Bức tranh 'Người Thầy của tôi' - vẽ chân dung HLV Park Hang seo được đấu giá gần 250 triệu đồng

Nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất mà Park và các cầu thủ đã mang lại là niềm tự hào song sinh cho hai dân tộc Việt - Hàn. Quả bóng tròn mang theo ý tưởng của huấn luyện viên Hàn và cầu thủ Việt không chỉ lăn trên sân, vượt qua thử thách, tìm đến vinh quang trong mỗi trận đấu mà còn ngẫu nhiên trở thành biểu tượng chung vai sát cánh của hai quốc gia Việt Nam và Hàn Quốc trên đường phát triển hôm nay và mai sau.

Bóng đá hiện đại và thể thao nói chung ngày càng sâu sắc thêm tầm ảnh hưởng của nó đến chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa. Năm 2016, huấn luyện viên Park Chung Gun đồng hành cùng vận động viên bắn súng Hoàng Xuân Vinh giành Huy chương vàng Olympic Rio - Brazil. Năm 2018, huấn luyện viên Park Hang Seo đồng hành cùng đội tuyển quốc gia Việt Nam đoạt chức vô địch AFF Suzuki Cup.Với chính sách “Hướng Nam Mới” (tập trung dòng vốn đầu tư vào Ấn Độ và ASEAN), Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn nhất của các doanh nhân Hàn Quốc.

Năm 1992, FDI của Hàn Quốc trên lãnh thổ Việt Nam mới chỉvỏn vẹn 500 triệu USD. Hiệp định mậu dịch tự do (VKFTA) và Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Hàn đã mở ra lộ trình phát triển văn hóa, kinh tế và đạt kết quả chưa từng có. Từ năm 2014, FDI Hàn Quốc đã vượt Nhật Bản, trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

Tính đến tháng 7/2018, Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 7080 dự án, với số vốn 65 tỷ USD. Tại Hội nghị APEC 2017, tổng thống Moon Jae In nhận định đến năm 2020, FDI của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam có thể đạt xấp xỉ 100 tỷ USD. Năm 2017, gần hai triệu rưỡi lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Việt nam.Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc 7 tháng đầu năm 2018 đạt 10 tỷ USD, tăng 32% so với cùng kỳ 2017…

Việt Nam tiếp nhận dòng vốn, công nghệ đầu tư từ Hàn Quốc đồng thời cũng tiếp thu, học hỏi văn hóa Hallyu (Làn Sóng Hàn Quốc) của đất nước bạn. Văn hoá Hallyu được xem như quyền lực mềm dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Hàn Quốc. Triết lý của Hallyu là tạo ra sự thú vị, hấp dẫn, thanh thoát thay cho khiên cưỡng, trói buộc. Hallyu hướng đến giới trẻ, giảm thiểu kinh viện, đậm chất lãng mạn, ngôn tình. Từ thập kỷ 1980, Hallyu như thể ánh sáng văn hoá hải đăng dẫn dắt kinh tế Hàn Quốc vượt qua những trở ngại lịch sử, sắc tộc, lan tỏa tới 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Việt Nam tiếp nhận, học hỏi văn hóa Hallyu của đất nước bạn

Phim ảnh, ca nhạc, du lịch, thể thao, mỹ phẩm, công nghệ làm đẹp cũng đã đồng hành cùng các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Lotte, Possco, Daewoo…, đầu tư vào Việt Nam, tạo ra sự phát triển bền vững, sâu sắc của “Làn Sóng Hàn Quốc”. Những bộ phim truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc như “Giày thủy tinh” (Glass Slippers), “Nàng Dae Jang Geum (Jewel in the Palace), “Chuyện tình Paris” (Lovers in Paris), “Hậu duệ của mặt trời” (Descendants of the Sun)… không còn xa lạ gì với khán giả Việt Nam.

Cảm hứng từ Hallyu đã sinh nở những đứa con điện ảnh hợp tác Hàn - Việt như “Mùi ngò gai”, “Cô dâu vàng”, “Lẵng hoa tình yêu”, “Để mai tính”, “Tuổi thanh xuân”…Cảm hứng từ Hallyu đã đưa các ngôi sao ca nhạc Việt Nam như Mỹ Tâm, Noo Phước Thịnh, Đông Nhi... tỏa sáng trên sàn diễn Hàn Quốc.

Cảm hứng từ Hallyu đậm sắc màu Việt - Hàn đã tạo ra cao tốc bang giao hai chiều, đưa đón hai dân tộc tiến tới những đỉnh cao mới của tình bạn, tình hữu nghị Hàn - Việt trong thế kỷ 21.

Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, nhân chủng , tập tục truyền thống, tôn giáo và địa chính trị. Dân gian Hàn Quốc có câu thành ngữ “Con tôm luôn ở về phía con cua” (ý nói cùng nền tảng văn hóa và tính cách thì ắt dính vào nhau). Không thể khác, Hàn Quốc và Việt Nam đã, đang và mãi như “TÔM” với “CUA”ở lứa “Tuổi thanh xuân” vậy!

Top