Ngày 21/11, thành phố Hải Phòng đã chính thức khai trương Dự án chính quyền số giai đoạn 2021-2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của thành phố.
Dự án này không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước mà còn mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Việc triển khai thực hiện chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm và thường xuyên tích cực chỉ đạo.
Từ ngày 4/11/2021, Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 45 về chủ trương đầu tư dự án chính quyền số. Dự án có 6 mục tiêu lớn, trong đó tạo lập được kho dữ liệu dùng chung của thành phố theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, thuê dịch vụ vận hành khai thác và bảo đảm an toàn thông tin.
Ngày 26/10/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định chuyển đổi số là “động lực” trong phát triển, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đối với Dự án “Thực hiện một số nội dung để xây dựng Chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025," ngày 4/11/2021 Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đã ban hành Nghị quyết số 45 về chủ trương đầu tư Dự án. Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã giao Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số thành phố Hải Phòng minh bạch, hiệu quả và tiện ích.
Dự án chính quyền số Hải Phòng đặt mục tiêu thực hiện 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% người dân và doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và 100% cơ quan nhà nước cấp thành phố tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng sẽ là một bước đột phá lớn và sẽ tạo ra một cơ hội mới để Hải Phòng sẽ phát triển mạnh hơn, tự chủ hơn và phát huy được vị trí địa lý.
Thời gian qua, Hải Phòng có được những dấu ấn quan trọng trong chuyển đổi số. Năm 2024, thủ tục hành chính được giải quyết qua cổng dịch vụ công quốc gia, đạt tỉ lệ xử lý hồ sơ đúng hạn đạt trên 90%.
Hải Phòng đã tích hợp 1.579/1937 dịch vụ công trực tuyến lên cổng quốc gia đạt tỷ lệ 81,5%. Kho dữ liệu dùng chung đã khởi tạo được 192 bộ dữ liệu, 1.941 trường thông tin, 437.621 bản ghi, do 18/20 đơn vị sở/ngành cung cấp. Cổng dữ liệu mở đã có 50/98 bộ dữ liệu mở do 7 đơn vị sở/ngành cung cấp. 100% các cơ sở khám, chữa bệnh đã kết nối liên thông Giấy khám sức khỏe lái xe, Giấy chứng sinh, Giấy báo tử lên Cổng Giám định bảo hiểm y tế.
Trong lĩnh vực y tế, Hải Phòng đã triển khai mô hình khám chữa bệnh sử dụng sinh trắc học, kios tự phục vụ, mô hình khám chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân và VneID. Trong lĩnh vực giáo dục, thành phố đã triển khai ký số sổ điểm, học bạ điện tử ở các cấp học. Số hóa thuyết minh hình ảnh 25 điểm du lịch, gắn mã QR tra cứu thông tin cho 290 điểm di tích trên địa bàn thành phố.
Hải Phòng hiện có gần 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động; gần 9.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số. Hải Phòng cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong thúc đẩy công nghệ 5G phục vụ sản xuất, logistics, cảng biển.
Đặc biệt, theo công bố của Tổng cục Thống kê tháng 12/2023, kinh tế số Hải Phòng chiếm 29,7% GRDP, đứng thứ 4 trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước, vượt chỉ tiêu Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra (năm 2025 kinh tế số chiếm 25% GRDP).
Tại buổi lễ khai trương Dự án, ông Phạm Văn Tuấn - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hải Phòng cho biết đến nay, các hạng mục phát triển nền tảng số, phát triển dữ liệu số, phát triển ứng dụng và dịch vụ số thuộc dự án đã hoàn thành các nội dung cơ bản. Việc khai trương, công bố các nền tảng số, dữ liệu số, ứng dụng và dịch vụ số thuộc dự án sẽ giúp đưa dự án vào hoạt động chính thức, góp phần thực hiện chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chính quyền, cung cấp dữ liệu, dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ông cũng khẳng định dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Ông Phan Tâm - Thứ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tại sự kiện cũng đề nghị thành phố căn cứ kết quả đánh giá hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tại phiên họp 9 của Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số để thực hiện nâng cấp, cập nhật hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đảm bảo tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật theo quy định, trong đó, đặc biệt chú ý đến nhóm tiêu chí chức năng và an toàn thông tin của hệ thống.
Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai các nhiệm vụ, giải pháp quyết liệt để đạt được mục tiêu tối thiểu 30% hồ sơ trực tuyến toàn trình vào cuối năm 2024 và 70% hồ sơ trực tuyến toàn trình vào năm 2025 từ mức tỷ lệ 27,4% như hiện nay.
Theo ông Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thành phố Hải Phòng, để đảm bảo việc vận hành hiệu quả các nền tảng số, phát triển dữ liệu số, ứng dụng, dịch vụ số nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Uỷ ban Nhân dân thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan ngay sau khai trương dự án, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Khẩn trương rà soát, xây dựng trình Uỷ ban Nhân dân thành phố ban hành quy chế quản lý, vận hành các hệ thống thông tin dùng chung, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Sở triển khai công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn đầy đủ cho từng trường hợp sử dụng trong công tác quản lý, vận hành, cập nhật dữ liệu dùng chung, dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ, đồng bộ với dữ liệu các bộ, ngành Trung ương, đồng thời đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng; trong đó, đoàn viên, thanh niên, cán bộ trẻ làm nòng cốt hướng dẫn người dân khai thác, sử dụng dịch vụ số, giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán trực tuyến, tăng cường tương tác giữa người dân với cơ quan chính quyền.
Các ngành, đơn vị, địa phương có trách nhiệm quán triệt, triển khai đến cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị, phối hợp thực hiện công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin dùng chung đã đầu tư từ dự án. Các đơn vị, địa phương từng bước ứng dụng trí tuệ nhân tạo, phân tích xử lý dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ mới trên môi trường số cho người dân, doanh nghiệp.../.