Người Việt tiếp tục là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai ở Nhật Bản |
Đắk Lắk tiếp tục quan tâm công tác người Việt Nam ở nước ngoài |
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng phát biểu khai mạc. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Paris, đông đảo đại diện các hội đoàn như Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), Hội sinh viên Việt Nam tại Pháp (UEVF), Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance), Hội doanh nhân Việt Nam - Campuchia - Lào (VCL Business Club), Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và các hội đoàn khác đã tham dự sự kiện.
Phát biểu khai mạc buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của cộng đồng người Việt tại Pháp. Với bề dày truyền thống hơn 100 năm, cộng đồng do Bác Hồ gây dựng nên đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Đến nay các hội đoàn trong cộng đồng phát triển phong phú và đa dạng.
Bên cạnh các tổ chức lâu đời nhất, tích cực nhất như Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF), còn có cả những đoàn thể tuy non trẻ nhưng hoạt động mạnh mẽ, có sức quy tụ và lan tỏa rộng lớn như Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Thành phần cộng đồng rất đa dạng, từ những thế hệ người Việt đi từ những năm 1954, 1975, đến các thế hệ sau này học tập và sinh sống tại Pháp và lĩnh vực hoạt động cũng rất rộng mở, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa mà cả trong giáo dục, khoa học, y tế, chính trị…
Theo Đại sứ Đinh Toàn Thắng, chính quyền và người dân nước sở tại đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Pháp về tính hội nhập, cũng như những đóng góp cho nước sở tại và cho quan hệ hai nước. Đảng và Nhà nước cũng đánh giá rất cao những đóng góp thiết thực của kiều bào Việt Nam tại Pháp đối với quê hương, tinh thần hướng về đất nước, cũng như nỗ lực duy trì giữ gìn bản sắc dân tộc. Đặc biệt trong thời gian qua, khi đất nước gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 hoành hành, cộng đồng đã có những đóng góp thiết thực cho trong nước như vận động chiến dịch “10.000 liều vaccines”, đóng góp máy thở, hỗ trợ trang thiết bị y tế, tham vấn về chiến lược và biện pháp phòng chống COVID-19...
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và thành công, cộng đồng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn cần phải vượt qua. Các hội đoàn qua nhiều giai đoạn cũng có sự thay đổi về các thế hệ lãnh đạo, đòi hỏi đường lối hoạt động phải hiệu quả hơn, năng động hơn, phải tìm kiếm hướng đi mới để làm sao quy tụ được bà con, có sức lan tỏa dẫn dắt lớn, đồng thời phù hợp với chức năng và đáp ứng nhu cầu của hội đoàn.
Trong buổi gặp mặt, các đại diện hội đoàn người Việt tại Pháp đã bày tỏ tình cảm của bà con kiều bào đối với đất nước, chia sẻ tâm nguyện và cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị để tăng cường sự gắn kết với quê hương và trong cộng đồng, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của người Việt Nam tại Pháp.
Thay mặt Hội người Việt Nam tại Pháp, nguyên Chủ tịch Thérèse Nguyễn Văn Ký phát biểu. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Thay mặt hội UGVF, nguyên Chủ tịch Thérèse Nguyễn Văn Ký khẳng định là hội đoàn lớn nhất và cũng lâu đời nhất trong cộng đồng tại Pháp, UGVF đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, nhưng luôn duy trì truyền thống đồng hành cùng dân tộc từ hơn 100 năm nay. Bà mong muốn Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường vai trò cầu nối trong các hoạt động hướng về nguồn cho các thế hệ trẻ em Việt kiều, tạo cơ chế hỗ trợ cho các tổ chức hội đoàn và giúp đa dạng hóa các hoạt động của người Việt ở nước ngoài nói chung và tại Pháp nói riêng.
“Việc đưa vào áp dụng chính sách Nhà nước đối với kiều bào như Luật Quốc tịch, Luật xuất nhập cảnh… đã tạo điều kiện cho thủ tục giấy tờ và viêc đi lại của bà con kiều bào thuận lợi hơn, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp đặc biệt và khó khăn, mong Nhà nước Việt Nam xem xét giải quyết thỏa đáng”, bà nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ nguyện vọng nhận được có sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam trong việc tổ chức các hoạt động cộng đồng vào các dịp lễ lớn như Tết và Trung thu.
Về vấn đề dạy tiếng Việt, các bác Việt kiều lớn tuổi bày tỏ trăn trở của mình với việc tăng cường dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam, đặc biệt là các thế hệ thứ 3-4, cũng như cho người nước ngoài, mong muốn Nhà nước tạo điều kiện để triển khai các hoạt động này nhằm giữ gìn và bảo tồn ngôn ngữ dân tộc trong thế hệ Việt kiều trẻ, đồng thời phát triển học tiếng Việt tại Pháp.
Nếu như các bậc cao niên trăn trở với việc bảo tồn tiếng Việt ở hải ngoại thì các đại diện thanh niên và sinh viện Việt Nam tại Pháp lại mong muốn phát huy tiềm năng trí tuệ của giới Việt kiều trí thức, tâp hợp nguồn lực chất xám để phục vụ quê hương đất nước. Đại diện Hội doanh nhân Việt Nam tại Pháp cũng bày tỏ sẵn sàng làm cầu nối để tăng cường quan hệ giao thương giữa Pháp và Việt Nam.
Các đại diện hội đoàn đã đề xuất nhiều ý kiến nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động hướng về quê hương như tổ chức các chuyến đi về nguồn cho các thế hệ Việu kiều trẻ, tạo điều kiện để kiều bào có thể tham gia xây dựng các hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hay phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nhằm gắn kết cộng đồng, duy trì và phát huy bản sắc của người Việt Nam tại Pháp.
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, lắng nghe ý kiến của bà con kiều bào tại Pháp. Ảnh: Thu Hà/TTXVN |
Sau khi lắng nghe các ý kiến của các đại diện hội đoàn người Việt Nam tại Pháp, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, đã biểu dương hội UGVF, với vai trò là hạt nhân nòng cốt và trung tâm đoàn kết, đã có nhiều đóng góp tích cực cho đất nước và cộng đồng. Ông chia sẻ thông tin về tình hình trong nước cho cộng đồng để kiều bào có thể hiểu rõ hơn về đất nước.
Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu đã tiếp nhận các nguyện vọng của bà con cũng như các đề xuất về chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài và cho biết trong thời gian tới sẽ “tập trung vào hai trọng tâm lớn là củng cố và phát huy sức mạnh hoạt động của các hội đoàn, và tăng cường dạy và học tiếng Việt”. Ông khẳng định lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác người Việt Nam ở nước ngoài, hiện đã lên đến con số 5,3 triệu người, coi đó là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc.
Thứ trưởng chia sẻ với các ý kiến đóng góp của bà con kiều bào và cho rằng trong thời gian tới sẽ cần “nỗ lực tìm kiếm, đưa ra các giải pháp căn cơ hơn, bài bản hơn nhằm thu hút nguồn lực và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong công tác Việt kiều và trong các hoạt động cộng đồng”. Ông bày tỏ tin tưởng cộng đồng người Việt Nam tại Pháp sẽ tiếp tục phát triển, đoàn kết, có nhiều đóng góp cho xây dựng, phát triển quê hương cũng như tăng cường quan hệ Việt Nam- Pháp.
Lồng ghép phổ biến giáo dục pháp luật với quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài |
Kiều bào góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam |