Thống kê tập trung

GS Gerard 't Hooft: Việt Nam trong tôi là đất nước tươi đẹp

2024-12-20 20:09:14
Trung tâm ICISE là cầu nối đưa các nhà khoa học quốc tế đến Việt Nam
"Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ": Diễn đàn học thuật của các nhà khoa học trong nước và quốc tế

GS Gerard 't Hooft là con thứ hai trong gia đình trí thức ở TP Den Helder, vương quốc Hà Lan. Với năng khiếu bộc lộ rõ từ khi còn nhỏ, đặc biệt là Vật lý, Gerard 't Hooft sớm định hướng trở thành nhà khoa học. Năm 16 tuổi, ông xuất sắc giành HCB trong cuộc thi Olympic Toán Hà Lan lần thứ hai. Gerard 't Hooft tốt nghiệp trung học năm 1964 rồi trở thành sinh viên Vật lý của ĐH Utrecht. Trong thời gian này, ông gặp gỡ GS Martinus Veltman, chuyên gia về lý thuyết Yang-Mills mà ông quan tâm. Ông bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ dưới sự hướng dẫn của GS Veltman năm 1969 và chọn nghiên cứu tái chuẩn hóa lý thuyết Yang-Mills.…

GS Gerard 't Hooft báo cáo bài giảng tại Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”.

Cậu bé 4 tuổi mê Vật lý

Trong suốt sự nghiệp nghiên cứu, GS Gerard 't Hooft đã nhận được nhiều giải thưởng khoa học danh giá. Đặc biệt, năm 1999, ông và GS Martinus Veltman được trao giải Nobel Vật lý nhờ nghiên cứu làm sáng tỏ cấu trúc lượng tử của tương tác điện yếu. Đây là công trình khoa học quan trọng xây dựng nền tảng Toán học vững chắc cho lý thuyết Vật lý về các hạt cơ bản.

Thưa Giáo sư, ông có thể chia sẻ kết quả công trình nghiên cứu về “Cấu trúc lượng tử trong các tương tác điện yếu”, nó được ứng dụng như thế nào trong thực tiễn?

- Nghiên cứu này chủ yếu về các loại hạt Vật lý cơ bản siêu nhỏ tồn tại. Các hạt này có thể va chạm vào nhau với tốc độ cao nhất có thể, là điều không thường xảy ra trong đời sống hằng ngày. Nghiên cứu này khó ứng dụng khi chỉ nhìn qua các hiện tượng như vậy, song đó là một phần của khoa học cơ bản. Do vậy, khoa học cơ bản thường có thiên hướng ứng dụng dựa trên tổng thể các nghiên cứu về hạt cơ bản này. Và hiển nhiên sẽ có các ứng dụng vào ngành khoa học thứ cấp, ví dụ dễ thấy nhất là y khoa khi ta có thể phát triển các thiết bị phát hiện hạt để áp dụng vào việc phát hiện ung thư vú, hay các khối u…

GS Gerard 't Hooft (bên phải) trò chuyện với một nhà khoa học.

Động lực nào để giáo sư đam mê và dấn thân vào nghiên cứu khoa học?

- Gia đình tôi có truyền thống nghiên cứu khoa học. Bà tôi là chị em của Frits Zernike, nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý năm 1953. Chú tôi, Nico van Kampen, là giáo sư Vật lý lý thuyết tại ĐH Utrecht... Dòng máu đam mê Vật lý chảy trong tôi từ bé , đặc biệt tôi còn có GS Martinus Veltman - một giáo viên cực kỳ tận tụy, giúp tôi có nhiều cơ hội để học hỏi.

Trong một tấm hình tôi chụp khi còn nhỏ cho thấy bản thân tôi khi ấy đã rất tò mò về chiếc bánh xe. Những chiếc bánh xe vốn cực kỳ quen thuộc ấy là một phát minh vô cùng vĩ đại của loài người. Tôi muốn có những sáng chế cơ bản nhưng những sáng chế ấy cũng sẽ đóng vai trò quan trọng như vậy, tức là như chiếc bánh xe mà ngày còn bé tôi đã quan tâm… Từ đó, tôi nhận ra Vật lý có điều gì đó rất cuốn hút. Vì thế, năm lên 4 - 5 tuổi tôi đã muốn trở thành nhà khoa học trong tương lai rồi (cười).

Việt Nam là đất nước tươi đẹp, năng động

Giáo sư Gerard 't Hooft chia sẻ, Việt Nam là quốc gia lớn nếu so về dân số với đất nước Hà Lan (hơn 100 triệu dân, so với 17,5 triệu dân). Còn thành tựu về khoa học, công nghệ thì Hà Lan có bước phát triển sớm hơn. Tuy nhiên, giáo sư kỳ vọng, thời gian tới Việt Nam sẽ có những chặng dài vươn lên...

Thưa giáo sư, ông có tới ba lần đến Việt Nam và đã dành nhiều thời gian ở ICISE - TP Quy Nhơn…

- Trong những lần tham gia các hội nghị khoa học quốc tế, tôi có dịp gặp GS Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam và được ông ấy ngỏ lời, mời tôi sang Việt Nam và ghé thăm ICISE. Nhiều năm trước tôi đã biết Việt Nam là đất nước chịu nhiều tổn thương do chiến tranh. Điều đó phần nào cũng thôi thúc tôi đến với các bạn. Ngay lần đầu đến Việt Nam tôi đã thấy cuộc sống của người dân Việt Nam còn nhiều vất vả, nhưng tôi cũng thấy được sự nỗ lực thay đổi của các bạn qua những công trình xây dựng, những dự án khoa học kỹ thuật giàu tiềm năng.

Sau thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành, tôi càng muốn trở lại Việt Nam - Quy Nhơn - ICISE để cảm nhận về những đổi thay nơi đây. Thật tuyệt vời, Việt Nam trong tôi là đất nước tươi đẹp, năng động, kinh tế đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Tuyệt vời hơn nữa, là mỗi lần đến Việt Nam, ghé Quy Nhơn, ICISE tôi cảm nhận được sự gần gũi, hiếu khách của con người nơi đây và có thêm cơ hội gặp các nhà khoa học Việt Nam, quốc tế. Điều đặc biệt nữa, đó chính là văn hóa và ẩm thực ở Quy Nhơn vô cùng đa dạng. Tôi luôn cảm thấy ngon miệng khi được thưởng thức các món ăn về hải sản hoặc phở ở thành phố biển xinh đẹp này. Rất tuyệt vời!

GS Gerard 't Hooft (bên phải) trò chuyện GS Trần Thanh Vân tại Hội nghị khoa học quốc tế “Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ”.

Năm 2017, giáo sư là người đặt bảng tên đường “Đại lộ khoa học” tại thung lũng Quy Hòa, thưa giáo sư cảm xúc lúc đó của ông như thế nào?

- Vào ngày khai trương con đường “Đại lộ khoa học”, tôi rất vui. Tôi còn nhớ rõ gần đó có một tấm bảng, ghi dòng chữ: “Due to construction, road to science is temporarily closed”, nghĩa là do xây dựng, đường đến khoa học tạm thời đóng cửa. Khi đó, tôi muốn chụp lại tấm biển đó để làm kỷ niệm, song không kịp. Tôi nghĩ tên đường “Đại lộ khoa học” chỉ thể hiện một khía cạnh nhỏ của khoa học, nhưng Bình Định - trong đó có vai trò rất lớn của GS Trần Thanh Vân - đã xây dựng được một thung lũng khoa học như vậy là rất đáng trân trọng!

Có niềm đam mê bạn sẽ làm được

Đây là lần thứ 3 GS Gerard 't Hooft đến ICISE để làm việc, giao lưu với các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Ngoài trao đổi học thuật, giáo sư còn dành thời gian kết nối với các sinh viên, nhà nghiên cứu trẻ thông qua bài giảng đại chúng ở các thành phố, như: Quy Nhơn, Đà Lạt, Huế, Đà Nẵng.

Giáo sư đánh giá thế nào về sức sáng tạo của các nhà khoa học, niềm đam mê khoa học của học sinh, sinh viên Việt Nam, trong đó có các bạn trẻ ở Bình Định?

- Tôi chưa ở lâu, biết nhiều để có thể đưa ra một nhận xét như thế. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định là các nhà khoa học, học sinh, sinh viên Việt Nam có khả năng sáng tạo, đam mê nhiệt huyết với khoa học. Đó cũng là lý do khiến tôi muốn đến với Quy Nhơn - Bình Định - Việt Nam để truyền năng lượng, cảm hứng với các bạn trẻ. Các bạn có thể học hỏi được một điều gì đó, nó không nhất thiết phải là khoa học. Có thể là qua các buổi gặp và nói chuyện với các nhà khoa học nổi tiếng, các bạn cảm thấy yêu khoa học, cũng có thể từ đó sẽ hâm mộ âm nhạc, hoặc môn nghệ thuật nào đó. Như thế cũng rất hay!

GS Gerard 't Hooft dạo bộ trên con đường Nobel.

Muốn nghiên cứu về khoa học, theo giáo sư các bạn trẻ phải bắt đầu từ đâu?

- Trước tiên, các bạn phải yêu thích, có kiến thức cơ bản, đam mê về lĩnh vực đó. Giỏi ngoại ngữ thêm một lợi thế trong kết nối với bạn bè cùng niềm đam mê khoa học trên thế giới. Ở Việt Nam, các bạn trẻ đừng e dè, hãy gạt bỏ suy nghĩ rằng người thông minh mới có thể theo đuổi và thành công với nghiên cứu khoa học. Với niềm đam mê và tính kiên trì tôi tin các bạn sẽ hiện thực hóa được những ước mơ ấy. Tôi biết có những người vốn hết sức bình thường nhờ đam mê và kiên trì họ đã có bước phát triển, thành công đáng kinh ngạc.

GS Gerard 't Hooft trò chuyện với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt.

Thưa giáo sư, nếu có một nhận xét về vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc…

- Điều này thì tôi có thể nói ngay. Tôi vô cùng ngưỡng mộ vợ, chồng GS Trần Thanh Vân và Lê Kim Ngọc. Họ là những người có nhiều đóng góp cho nền khoa học trong nước và thế giới phát triển. Hiện nay, dù tuổi đã cao song GS Trần Thanh Vân vẫn làm việc hăng say, giàu năng lượng, tạo nhiều điều kiện cho học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước có cơ hội học hỏi, tiếp thu và giao lưu với các nhà khoa học trên thế giới…

Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện, chúc ông nhiều sức khỏe, thành công!

GS Gerard 't Hooft (SN 1946) là nhà Vật lý lý thuyết người Hà Lan.

Ngoài giải thưởng Nobel vào năm 1999, ông từng được trao giải Wolf năm 1981, huân chương Lorentz năm 1986, giải Spinozapremie dành cho các nhà khoa học Hà Lan năm 1995…Các công trình nghiên cứu của ông tập trung vào lý thuyết đo, các lỗ đen, trọng lực lượng tử và các khía cạnh cơ bản của cơ học lượng tử. Đóng góp của ông cho Vật lý bao gồm một bằng chứng rằng các lý thuyết đo được đều có thể tái chuẩn hóa, chuẩn theo chiều không gian, và tuân theo nguyên tắc holographic.

Nơi kết nối khoa học Việt Nam với thế giới
Hơn 2.000 học sinh, sinh viên Việt Nam được cấp học bổng Vallet của Tổ chức Gặp gỡ Việt Nam
Top