Thư viện tài liệu

2025-01-15 20:03:26

Ngày 4/10, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã tiếp xúc cử tri tại huyện Châu Thành và thành phố Long Xuyên (An Giang), trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, xây dựng, cử tri ở 6 xã, phường của huyện Châu Thành và thành phố Long Xuyên phản ánh nhiều ý kiến về các vấn đề như phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, giám sát cán bộ; chế độ, chính sách đối với lực lượng hoạt động không chuyên trách ở cấp phường, xã; chi phí mua bảo hiểm y tế tăng cao gây khó khăn cho người dân, nhất là hộ nghèo; việc giới hạn nơi đăng ký khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế gây khó khăn cho nhân dân khi khám chữa bệnh…

Cử tri kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp kết nối, tiêu thụ nông sản một cách căn cơ và lâu dài để nông dân có thể làm giàu từ chính đồng ruộng của mình.

Nhiều ý kiến đề cập tới chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp, trợ giá nông sản và thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng liên quan đời sống xã hội; kiểm soát tốt mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; vấn đề già hóa dân số; tình trạng thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng; một số bất cập trong chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay, vấn đề sách giáo khoa gây nhiều lãng phí…

Cử tri Võ Hữu Dự (xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành) kiến nghị Trung ương cần có thêm giải pháp mạnh mẽ nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị sản xuất.

Theo cử tri, hiện nay, các doanh nghiệp còn e ngại khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là vấn đề liên quan đến tính pháp lý khi tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất với người dân.

Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ về nguồn lực và cơ chế hoạt động, qua đó nâng cao vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp, trung tâm hỗ trợ kỹ thuật trong liên kết sản xuất, trở thành cầu nối trung gian giữa người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.

Đồng tình với ý kiến trên, cử tri Nguyễn Duy Khánh (xã Vĩnh Thành, huyện Châu Thành) cho rằng kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh An Giang nói riêng và cả nước nói chung thời gian qua rất khả quan, một số sản phẩm được mùa, được giá, khiến nông dân rất phấn khởi.

Cử tri Nguyễn Thị Bé Tám, xã Vĩnh Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang phát biểu ý kiến. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Song người dân còn trăn trở khi giá vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi… liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của bà con.

Bên cạnh đó, mức đóng bảo hiểm y tế hiện nay tăng cao, tạo thêm áp lực cho người dân; quá trình cải cách, đổi mới giáo dục đang bộc lộ nhiều vấn đề bất cập...

Cử tri Lê Quang Vinh (phường Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên) cho rằng việc có song song 3 bộ sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản là chưa đồng bộ về phương pháp giảng dạy, còn nhiều bất cập, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Do đó, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một bộ sách giáo khoa thống nhất dùng chung cho học sinh cả nước.

Chính phủ, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần đơn giản hóa thủ tục khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, thực hiện thông tuyến điều trị bằng bảo hiểm y tế trong toàn quốc, đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế cơ sở nhằm vừa chăm sóc tốt sức khỏe người dân, vừa giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên...

Tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp nhưng với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kinh tế-xã hội nước ta cơ bản vẫn đạt được kết quả đáng kể.

Kinh tế vĩ mô trong quý 3/2024 tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm được Đảng, Quốc hội thông qua...

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tiếp xúc cử tri thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Theo Phó Chủ tịch nước, những vấn đề cử tri nêu như phòng, chống, tham nhũng, công tác quản lý, giám sát cán bộ, đầu ra cho nông sản, lĩnh vực giáo dục, y tế… cũng là những điều trăn trở của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục thực hiện giám sát trong thời gian tới. Đồng thời, Đoàn ghi nhận kiến nghị của cử tri và sẽ có những kiến nghị ở từng diễn đàn phù hợp.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cho biết bài toán về nông nghiệp không phải vấn đề riêng của An Giang mà là chung của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Mặc dù Trung ương đã có nhiều chiến lược và chính sách cho nông nghiệp nhưng thực tế vẫn còn bất cập, nhất là quá trình thực hiện ở các địa phương. Cùng với đó, thói quen và phương pháp canh tác, tư duy sản xuất nông nghiệp của bà con nhỏ lẻ, không đồng đều. Các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp thiếu chặt chẽ, không bền vững…

Đó là những rào cản trong phát triển kinh tế nông nghiệp.Phó Chủ tịch nước mong muốn, lãnh đạo huyện Châu Thành và thành phố Long Xuyên nói riêng, tỉnh An Giang nói chung chú trọng phát huy thế mạnh nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới một cách thực chất, bền vững để người dân được thụ hưởng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Trong hai ngày 3-4/10, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại 8 huyện gồm M’Đrắk, Ea Kar, Krông Ana, Cư Kuin, Lắk, Krông Bông, Ea H’Leo và Krông Búk.

Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Tại các hội nghị tiếp xúc, cử tri nêu nhiều ý kiến, kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh xoay quanh các vấn đề như bất cập trong các bộ sách giáo khoa hiện nay; việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai còn kéo dài, gây phiền hà cho người dân; bất cập trong lấn chiếm hành lang an toàn giao thông; tai nạn giao thông liên quan đến việc học sinh, thiếu niên điều khiển phương tiện xe máy dưới 50cc, xe đạp điện xảy ra thường xuyên.

Bên cạnh đó, một số xã đã về đích nông thôn mới nhưng thực tế nhiều chỉ tiêu còn yếu, đặc biệt là đường giao thông nông thôn xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa.

Một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi, lò mổ gia súc gia cầm nằm trong khu dân cư ở các huyện Ea Kar và Ea H’Leo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng; tình hình sạt lở bờ sông Krông Nô ở huyện Lắk…

Cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị, tăng cường quản lý, kiểm tra và nghiên cứu bổ sung thêm các quy định, chế tài xử lý nghiêm hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, kém chất lượng.

Hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được thực hiện quyết liệt hơn. Cử tri cũng kiến nghị, tu sửa, nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường liên xã, liên thôn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, hư hỏng.

Bên cạnh đó, cần quyết liệt triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng lừa đảo trên không gian mạng; nghiên cứu xây dựng bộ quy chuẩn sản xuất sầu riêng nhằm đảm bảo chất lượng đồng nhất...

Cử tri đề nghị, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu dân sinh đoạn từ buôn Krông, xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana đi buôn MLiêng, xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Những năm qua, nhân dân phải đi bằng đò để lưu thông hàng hóa, rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ.

Sau khi lắng nghe và ghi nhận ý kiến của cử tri, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương đã giải trình trực tiếp một số nội dung trong phạm vi thẩm quyền.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã trao đổi và làm rõ thêm một số nội dung cử tri phản ánh, băn khoăn.

Đối với những vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết, Đoàn tổng hợp, gửi đến cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét, giải quyết, trả lời cử tri trong thời gian sớm nhất; đồng thời tập hợp và phản ánh ý kiến cử tri tại kỳ họp Quốc hội tới./.

(TTXVN/Vietnam+)
Top