Thắm mãi tình hữu nghị Việt - Lào

2024-12-20 20:45:16
Mạch ngầm kết nối tình hữu nghị Việt - Lào
Vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào
Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Khu căn cứ cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu.

Nơi ghi dấu tình hữu nghị đặc biệt

Ngược dòng lịch sử, cách đây 74 năm, vào ngày 20/5/1948, Ban xung phong Lào Bắc được Bộ Tổng chỉ huy quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam ra chỉ thị thành lập. Ban Xung phong Lào Bắc do đồng chí Cayxỏn - Phômvihản (người sau này là Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Thủ tướng, Chủ tịch Nước CHDCND Lào) làm Trưởng ban, được giao nhiệm vụ gây dựng cơ sở cách mạng vùng sau lưng địch, phát động phong trào du kích để thành lập căn cứ địa kháng chiến chống thực dân Pháp. Bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (nay là bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) được chọn và trở thành căn cứ đầu tiên của lực lượng cách mạng Lào.

LLVT huyện Yên Châu thực hiện nghi thức đón các đoàn đến thăm khu di tích.

Những hoạt động tích cực của Ban xung phong Lào Bắc dưới sự chỉ huy của đồng chí Cayxỏn - Phômvihản và sự giúp đỡ chí tình của Tỉnh bộ Việt Minh Sơn La, đặc biệt là nhân dân vùng Phiêng Sa - Lao Khô và gia đình ông Tráng Lao Khô, đã xây dựng căn cứ địa của cách mạng Lào và thành lập Quân bản Itsala, tiền thân của quân đội nhân dân Lào ngày nay, tạo tiền đề cơ bản, nền móng vững chắc cho sự phát triển phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Lào thắng lợi.

Ông Tráng Lao Lử, con trai cả của cụ Tráng Lao Khô kể chuyện với cán bộ, chiến sĩ LLVT.

Thời gian đã lùi xa, nhưng những tình cảm, ký ức cao đẹp về tình hữu nghị Việt - Lào, liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù, giành độc lập dân tộc, vẫn còn nguyên giá trị, minh chứng cho tình đoàn kết đặc biệt, là tài sản vô giá của hai dân tộc Việt Nam - Lào anh em. Để ghi lại dấu ấn lịch sử, Khu di tích cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu được khởi công vào năm 2012, khánh thành đưa vào hoạt động ngày 6/7/2017, đúng dịp chào mừng Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017, kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977 – 18/7/2017). Đầu năm 2022, Khu di tích được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Biểu tượng cao đẹp của tình đoàn kết, thủy chung

Nổi bật giữa cánh rừng xanh tốt tại bản Lao Khô 1, là Khu di tích Quốc gia đặc biệt cách mạng Việt Nam – Lào, biểu tượng cho tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào. Đây là nơi giới thiệu, tôn vinh những giá trị lịch sử to lớn, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, khẳng định tinh thần quốc tế cao cả, kề vai sát cánh bên nhau giành lấy độc lập tự do. Nơi đây đã đón tiếp nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội của hai nước Việt Nam – Lào; giáo dục truyền thống yêu nước, tình đoàn kết, truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau, góp phần củng cố mối quan hệ truyền thống, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.

Đài biểu tượng tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Lào tại Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Khu căn cứ cách mạng Việt Nam – Lào.
Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Sơn La dâng hương tại Khu di tích.

Say sưa tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Khu di tích, em Xúc Sạ Vẳn Lao Ly, lưu học sinh Lào, K59 Giáo dục chính trị, Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên em được đến Khu di tích, qua tìm hiểu, em càng hiểu thêm về tình hữu nghị đặc biệt, thủy chung, son sắc giữa hai nước, đặc biệt là sự giúp đỡ của người dân Lao Khô 1 đối với cách mạng Lào. Sau này, khi tốt nghiệp ra trường, về nước, em sẽ mang những kiến thức của mình được học tại Việt Nam để đóng góp xây dựng quê hương giàu đẹp; góp phần xây dựng, vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt.

Lưu học sinh Lào học tập tại tỉnh Sơn La tham quan, tìm hiểu lịch sử tại khu di tích.

Quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào đã được hình thành và hun đúc từ lâu đời. Mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung, trong sáng giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn - Phômvihản đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp trở thành tài sản chung vô giá của hai nước.

Đoàn công tác của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam tham quan Khu di tích.

Mối quan hệ đặc biệt, quý báu và thiêng liêng này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong 4 câu thơ bất hủ: “Thương nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua/Việt - Lào, hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Chủ tịch Cayxỏn - Phômvihản cũng đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới, đã có nhiều tấm gương chói sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ, có được sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như quan hệ Lào - Việt Nam”; “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Lào - Việt Nam mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”. Hai dân tộc Việt Nam và Lào đã cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi, xây đắp nên mối tình hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện, trở thành tài sản chung vô giá, bảo đảm cho sự thành công của cách mạng mỗi nước.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam viết số vàng lưu niệm tại khu di tích.

Trong chuyến công tác mới đây của Đoàn công tác Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Đại sứ quán nước CHDCND Lào tại Việt Nam đến Di tích Quốc gia đặc biệt Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào, tại bản Lao Khô 1, đồng chí Sẻng Phết Hùng Bun Nhuông, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước CHDCND Lào tại Việt Nam, khẳng định: Khu di tích là nơi tuyên truyền nhân dân hai nước, đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên về lịch sử chiến đấu anh dũng, bất khuất, những chiến công vẻ vang và sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha ông để giành lại độc lập, tự do cho hai nước, hai dân tộc. Tin tưởng rằng, nhân dân hai nước sẽ cùng nhau tiếp tục phát huy mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước, góp phần xây dựng mỗi nước ngày càng tươi đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hữu nghị và hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới.

Phát huy truyền thống cách mạng

Nhân dân bản Lao Khô 1 luôn tự hào về vùng đất truyền thống cách mạng, tự hào về gia đình ông Tráng Lao Khô đã đóng góp cho sự nghiệp cách mạng và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Chính phủ nước CHDCND Lào tặng Huân chương Tự do cho gia đình ông Tráng Lao Khô và Huân chương hạng Ba cho nhân dân bản Lao Khô 1.

Bản Lao Khô 1, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu hôm nay.

Trên con đường bê tông khang trang, sạch đẹp, chúng tôi đến thăm gia đình ông Tráng Lao Lử, con trai cả của cụ Tráng Lao Khô, ấn tượng với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn - Phômvihản và ông Tráng Lao Khô được treo ở vị trí trang trọng giữa nhà, cùng với đó là nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước Việt Nam - Lào trao tặng.

Dáng người dong dỏng cao, nhanh nhẹn, nước da hồng hào, gương mặt phúc hậu, ông Tráng Lao Lử trẻ hơn nhiều so với tuổi gần 90 của mình. Giọng hào sảng, ông Lử nói: Phát huy truyền thống gia đình, những năm qua, gia đình tôi luôn gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện phát triển kinh tế, vận động người dân trong bản định canh, định cư ổn định cuộc sống, nhờ đó nhiều người dân trong bản đã thoát nghèo. Với vai trò già làng tiêu biểu, uy tín, tôi luôn tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, phát triển kinh tế, xây dựng bản làng no ấm…

Ông Tráng Lao Lử, con trai cả của cụ Tráng Lao Khô kể về truyền thống của gia đình.

Càng phấn khởi hơn khi được biết nhân dân bản Lao Khô 1 luôn cùng nhau chung tay góp sức bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị to lớn của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt; đoàn kết phấn đấu phát triển kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm. Hiện, bản có 130 hộ, 100% là người dân tộc Mông. Trưởng bản Lao Khô 1, anh Tráng Lao Khai, khoe: Người dân đã tích cực chuyển đổi trồng hơn 100 ha cây ăn quả, gồm mận hậu, xoài, chanh leo cho thu nhập cao; tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc hơn 1.000 con; 5.000 con gia cầm các loại đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Cuộc sống của người dân Lao Khô 1 ngày càng được nâng lên, người dân đã hiến trên 5.000 m² đất, đóng góp 3.000 ngày công lao động để bê tông hóa gần 3 km đường giao thông nội bản. Bây giờ, có đường bê tông sạch, đẹp, đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn trước nhiều lắm.

Mô hình trồng cây mận hậu của người dân bản Lao Khô 1.

Người dân bản Lao Khô 1 thu hái chanh leo.

Chia tay bản Lao Khô 1, nơi có 8 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, trong cái bắt tay thật chặt của người dân bản, hẹn ngày trở lại. Chúng tôi tin tưởng, mỗi người dân nơi biên giới này sẽ luôn tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ con cháu biết trân trọng tình đoàn kết, tự hào và phát huy truyền thống lịch sử của cha ông để lại; thắt chặt và giữ gìn mối quan hệ mật thiết, bền vững với các bản giáp ranh của nước CHDCND Lào, cùng nhau bảo vệ đường biên mốc giới hai nước, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển, góp phần vun đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Hội hữu nghị Việt - Lào (Thái Nguyên): tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn
Chi hội Hữu nghị Việt - Lào khu tập thể 79-81 Lý Nam Đế ra mắt phòng truyền thống

Top