Trong bài viết “Chống lãng phí,” giải pháp thứ tư mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra là xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác,” “tự nguyện,” “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày;” xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức; khuyến khích nhân dân tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thói quen quý trọng tài sản của Nhà nước, công sức của nhân dân, sự đóng góp của tập thể và công sức của mỗi cá nhân; coi việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ hằng ngày.
Cha ông ta có truyền thống cần cù, tiết kiệm. Tính cách “ăn chắc, mặc bền” được hình thành qua hàng nghìn năm chống chọi với thiên tai, địch họa và điều này đã giúp dân tộc Việt Nam vượt qua được nhiều thử thách, gian khó.
Trong kho tàng ca dao, tục ngữ Việt Nam có rất nhiều câu răn dạy lối sống cần kiệm, coi đó là chuẩn mực: bát ăn bát để (phải biết dè sẻn, tích lũy); thắt lưng buộc bụng (tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí); bóp mồm bóp miệng (hạn chế hết mức việc chi tiêu chưa cấp thiết); khéo ăn thì no, khéo co thì ấm (biết chi tiêu hợp lý, làm ăn có kế hoạch thì sẽ được no đủ); làm khi lành để dành khi đau (khi trẻ, khỏe phải biết dành dụm phòng khi già, yếu); tích tiểu thành đại (kiên trì dành dụm thì sẽ đủ đầy); ở đây một hạt cơm rơi, ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng (kiếm tiền khó khăn nên phải biết chi tiêu hợp lý)…
Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Văn Lý, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực III thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhận xét: người Việt xưa chú ý tiết kiệm trong tiêu dùng hơn là tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong sinh hoạt cá nhân hơn là tiết kiệm trong các sinh hoạt khác liên quan đến cộng đồng. Xã hội truyền thống vận động chậm chạp, thời gian tính bằng mùa trăng, bóng nước... nên con người không có thói quen tiết kiệm thời gian...
Lối sống tiết kiệm xuất phát từ triết lý sống của người Việt rằng mỗi người phải có trách nhiệm với mình, gia đình, xã hội và các thế hệ mai sau. Ngày nay, lối sống tiết kiệm trong truyền thống của dân tộc ta cần được kế thừa gắn với đổi mới trong quan niệm về tiết kiệm cho phù hợp với đời sống của xã hội hiện đại và điều kiện phát triển của đất nước.
Trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế hiện nay, việc nâng cao ý thức tiết kiệm, tích lũy để mở rộng sản xuất vẫn đóng vai trò tích cực với việc nâng cao năng suất lao động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cuộc sống đa dạng của con người.
Tiết kiệm không phải là khuyến khích giảm thiểu nhu cầu mà chính là nâng cao khả năng thỏa mãn nhu cầu hợp lý của con người với cùng một khoản chi phí. Tiết kiệm theo quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi” chứ không phải là bủn xỉn. “Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc, dù bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng. Như thế mới đúng là kiệm. Việc đáng tiêu mà không tiêu, là bủn xỉn, chứ không phải là kiệm.”
Ở chiều ngược lại, ngày nay một bộ phận không nhỏ người Việt không giữ được truyền thống cần kiệm mà nhiễm thói xa hoa, lãng phí, coi trọng sự hào nhoáng bên ngoài, không tiếc tiền để đánh bóng hình ảnh, thỏa mãn tính sĩ diện, thậm chí là sự hợm hĩnh.
Nếp sống, nét văn hóa hình thành từ tổng hòa các thói quen lâu dài. Còn thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có. Phản xạ có điều kiện là những hành vi sinh hoạt, tác phong làm việc lặp đi lặp lại nhiều lần trong cuộc sống và rèn luyện, là những hành vi định hình trong cuộc sống và được coi là bản chất thứ hai của con người. Có thói quen tốt và thói quen xấu.
Thói quen càng trở nên quan trọng trong việc hình thành nếp sống của nhiều người, của cộng đồng bởi ở đây còn có thêm yếu tố tâm lý đám đông. Bởi vậy, muốn hình thành một nếp sống tốt-nếp sống văn minh hoặc muốn hạn chế, xóa bỏ một nếp sống lạc hậu, lỗi thời thì cần tạo nên hiệu ứng đám đông đủ để ai đó sẽ cảm thấy lạc lõng nếu làm khác mọi người.
Văn hóa tiết kiệm phải bắt đầu từ mỗi cá nhân, hình thành trong gia đình, trường học, công sở, doanh nghiệp rồi lan tỏa ra toàn xã hội. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng văn hóa tiết kiệm.
Việc xây dựng văn hóa liêm chính, tiết kiệm của cán bộ, đảng viên là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chỉ thị số 27-CT/TW (ngày 25/12/2023) của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí yêu cầu: quán triệt, nâng cao nhận thức; thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là văn hóa ứng xử của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý./.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cần thống nhất nhận thức rằng đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp.