Việt Nam - Campuchia thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tôn giáo

2024-12-21 12:36:42
Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt Hội cựu sinh viên Campuchia tại Việt Nam
Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia

Hai bên trao đổi về tình hình tôn giáo, kinh nghiệm quản lý nhà nước về tôn giáo của mỗi nước, đánh giá kết quả thực hiện Thỏa thuận hợp tác về công tác tôn giáo giai đoạn 2022-2026 đã ký tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 11/2022.

Hội đàm giữa Bộ Nội vụ Việt Nam và Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia. (Ảnh: btgcp.gov.vn)

Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Ước tính có khoảng 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó, trên 27 triệu người là tín đồ các tôn giáo (chiếm khoảng 27% dân số cả nước). Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người, bảo đảm bình đẳng giữa các tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước.

Hiến pháp 2013 của Nhà nước Việt Nam khẳng định, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người. Đặc biệt, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc bảo đảm tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Tháng 1/2024, Quốc hội Việt Nam cũng đã ban hành Luật Đất đai sửa đổi, trong đó, đối với đất đai liên quan đến tôn giáo, Nhà nước thực hiện giao đất có hạn mức không thu tiền sử dụng đất đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo. Nhờ chính sách tôn giáo đúng đắn của Nhà nước, đời sống tôn giáo ở Việt Nam có những chuyển biến tích cực. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo. Các tôn giáo chung sống hòa hợp trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các tổ chức, chức sắc, tín đồ các tôn giáo tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thông tin về đời sống tôn giáo tại Campuchia, Bộ trưởng Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia Chay Burin cho biết, Campuchia có trên 93% dân số là tín đồ Phật giáo, với hơn 70.000 tăng sĩ, khoảng 5.000 ngôi chùa. Một số tôn giáo khác ở Campuchia gồm có Hồi giáo, Công giáo, Tin Lành…

Tại Hội đàm, hai bên nhất trí đánh giá cao kết quả hợp tác trên lĩnh vực tôn giáo thông qua các hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, ủng hộ nhau trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế liên quan đến tôn giáo, tạo điều kiện cho Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia tăng cường hợp tác, giao lưu. Hoạt động hợp tác trên lĩnh vực tôn giáo trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tôn giáo của mỗi nước, tăng cường sự hợp tác, chia sẻ thông tin giữa hai cơ quan làm công tác tôn giáo, đồng thời, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục chủ động, tích cực thực hiện Thỏa thuận hợp tác, trọng tâm là tăng cường hoạt động trao đổi đoàn cấp cao, tham mưu nội dung hợp tác bồi dưỡng, đào tạo về công tác tôn giáo vào kế hoạch hợp tác giữa hai Chính phủ Việt Nam - Campuchia hàng năm. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan làm công tác tôn giáo ở các địa phương (đặc biệt là ở các tỉnh biên giới) của hai nước giao lưu, thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo mà hai bên cùng quan tâm. Tạo điều kiện để Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Campuchia tăng cường giao lưu, hợp tác trong công tác Phật sự, đào tạo tăng sinh… đóng góp ngày càng nhiều và thiết thực vào việc xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam qua góc nhìn lễ hội
Tự do tôn giáo: sức mạnh kết nối và thúc đẩy kinh tế tại Cao Bằng
Top