Bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn

2024-12-21 13:23:56
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản bền vững
Lý Sơn rộn ràng chuẩn bị Lễ hội đua thuyền tứ linh đầu xuân Tân Sửu
Nông dân đảo Lý Sơn gặp khó khăn do hậu quả mưa bão

Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa độc đáo của cư dân trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Hữu Danh

Theo văn tế "bát tổ", "thất tộc", Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn bắt đầu từ năm 1826, trên đảo có 8 thuyền mang biểu tượng tứ linh (long, lân, quy, phụng). Mỗi thuyền được đặt ở dinh, miếu thờ cúng thuộc các xóm, làng trên đảo.

Thuyền đua ở Lý Sơn có dáng thon dài, được làm bằng khung gỗ, mê thuyền được làm bằng nhôm hoặc đuya-ra. Trên thuyền, các phần được trang trí công phu, đầu, đuôi của 4 linh vật được chạm khắc tinh xảo, hình thù tứ linh thể hiện được hồn cốt y như thật.

Lễ hội đua thuyền tứ linh được tổ chức từ mồng 4 đến mồng 8 tháng Giêng âm lịch. Để tham gia lễ hội đầu Xuân mới này, ngay từ cuối năm cũ, cư dân trên đảo tổ chức làm lễ cải huế phạt mộc cho các thuyền đua để xua đi những điều không may mắn, sau đó, tuyển chọn vận động viên thử thuyền. Khâu tuyển chọn và bố trí vận động viên trên thuyền là khâu quan trọng để có được kết quả cao trong 5 ngày đua. Các vận động viên là những ngư dân hằng ngày đánh bắt trên biển, thông thạo sóng nước, giỏi bơi lội. Mỗi thuyền đua có từ 20 đến 24 người, trong đó, có người đập then (còn gọi là lái nhịp) và tổng lái.

Mỗi thuyền đua ở Lý Sơn đều có đồng phục riêng, các vận động viên chít khăn đỏ trên đầu. Sự thắng bại trong cuộc đua tùy thuộc vào sự khỏe mạnh, dẻo dai và tinh thần quyết tâm cao của các vận động viên trong đội; nhưng ở đây không thể không kể đến người lái nhịp và tổng lái. Người lái nhịp đứng ở giữa thuyền để giữ thăng bằng và dùng then đánh nhịp rõ to để các vận động viên bơi đúng theo nhịp. Nhịp đánh thưa quá thì thuyền đi chậm, nhặt quá có thể làm các vận động viên đuối sức, nhịp không đều thì dẫn đến chệch choạc. Tổng lái là người đứng ở cuối thuyền quan sát đều khắp, đồng thời, đảm đương nhiệm vụ lái thuyền.

Lễ hội đua thuyền gắn kết cả về phần lễ với phần hội. Trước khi khai hội, các đình làng trên đảo làm lễ tế thần linh xin phép mở hội. Sau tiếng trống mở hội của cả làng thì các thuyền đua mang biểu tượng tứ linh rẽ sóng lao về phía trước lướt nhẹ trên sóng biển trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân và du khách. Mỗi thuyền đua gắn liền với mỗi xóm, làng trên đảo. Người dân quan niệm rằng, năm nào thuyền xóm, làng nào về đích trước thì xóm, làng đó sẽ làm ăn thuận buồm xuôi gió, nông, ngư bội thu. Kết thúc ngày hội, các đình, dinh, miếu thờ làm lễ hoàn nguyện kết thúc hội đua thuyền đầu Xuân mới.

Lễ hội đua thuyền tứ linh không chỉ là trò diễn trước thần linh, đây còn là môn thể thao biểu dương sức mạnh mang yếu tố tín ngưỡng. Là lễ hội lớn nhất trong năm, thế nên, những người con của Lý Sơn đi làm ăn xa về quê đón Tết luôn cố nán lại cho đến khi xong hội đua thuyền mới lên đường.

Ngoài được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán, Lễ hội đua thuyền tứ linh còn được các dòng tộc tiền hiền trên đảo tổ chức vào dịp Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Trải qua gần 200 năm, nét văn hóa truyền thống này tiếp tục được gìn giữ và bảo tồn để tưởng nhớ về cội nguồn tổ tiên, các bậc tiền nhân và đội binh phu Hoàng Sa - Trường Sa trên đảo Lý Sơn.

Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa truyền thống dân gian, mang đậm bản sắc của cư dân biển, đảo Lý Sơn. Người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa - Trường Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu mong quốc thái dân an, người an, vật thịnh, ngư dân thuận buồm xuôi gió khi ra khơi khai thác hải sản được mùa bội thu. Mỗi khi lễ hội diễn ra, không những lôi cuốn người dân mà hàng ngàn du khách thập phương cũng ra đảo thưởng thức lễ hội đặc sắc hiếm vùng miền nào có được này.

Với vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân đất đảo, huyện Lý Sơn rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Lễ hội đua thuyền tứ linh thông qua công tác nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu về lễ hội này. Đồng thời, thường xuyên tổ chức trưng bày, triển lãm nguyên trạng thuyền, bộ đầu đuôi tứ linh và hình ảnh Lễ hội đua thuyền tứ linh ở các sự kiện lớn của địa phương.

Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đua thuyền tứ linh, huyện Lý Sơn thường xuyên tái hiện không gian lễ hội trong dịp Tết Nguyên đán, sự kiện Tuần lễ Văn hóa - Du lịch; tăng cường tuyên truyền để người dân có ý thức bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể này.

“Thông qua hoạt động tái hiện Lễ hội đua thuyền tứ linh vào dịp lễ, Tết, chúng tôi sẽ quảng bá hình ảnh Lý Sơn đến du khách trong và ngoài nước. Lễ hội là tài nguyên của hệ thống di tích, di sản trên đảo, khi tài nguyên du lịch văn hóa tâm linh được khai thác hiệu quả thì công tác giữ gìn, bảo tồn sẽ được phát huy và người dân chính là chủ thể hưởng lợi từ hoạt động này” - Ông Ninh nhấn mạnh.

Quảng Ngãi: Bảo tồn cua đá đảo Lý Sơn
Trước thực trạng cua đá ngày càng suy giảm nghiêm trọng, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực triển khai hoạt động bảo tồn loài cua vừa có giá trị dinh dưỡng, vừa có hiệu quả kinh tế cao này. Mục tiêu của việc bảo tồn cua đá nhằm hướng đến giữ gìn môi trường sinh sống cho loài cua, phát triển số lượng để khai thác bền vững phục vụ phát triển kinh tế cho người dân địa phương.
Độc đáo “Cánh đồng dung nham” ở Lý Sơn
“Cánh đồng dung nham” đảo Bé (huyện Lý Sơn) là vẻ đẹp được ví như dòng chảy của dung nham sau những đợt phun trào núi lửa từ ngàn năm trước.
Thiên đường thơ mộng ở Đảo Bé Lý Sơn
Đảo Bé, một hòn đảo nhỏ thuộc huyện đảo Lý Sơn. Nơi đây, được ví như một thiên đường với những vách đá trầm tích núi lửa có từ hàng triệu năm trước, những bờ cát trắng mịn và màu nước xanh thăm thẳm. Chính vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa thơ mộng ấy đã mang lại sức hút riêng biệt cho vùng đất này.
Top