Thời sự - Chính trị

Việt - Lào: Những ước vọng chung

2024-12-20 19:18:56
Những di tích đậm “chất” Lào trên đất Việt
Những năm kháng chiến gian khổ, hy sinh của cách mạng Lào, rất nhiều những đồng chí lãnh đạo cấp cao, những sự kiện “quốc gia đại sự” của Lào đã được bao bọc, che chở, tổ chức... trong vòng tay tình nghĩa của nhiều miền đất, con người nước Việt. Và những nơi ấy đã thành di tích lịch sử thiêng liêng cao đẹp.
Quảng bá hình ảnh Quốc gia, thương hiệu và sản phẩm qua Hội chợ Hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào
Hội chợ Hữu nghị Lào - Việt Nam, Việt Nam - Lào được diễn ra từ ngày 27-01/10, tại thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannkhet (Lào), đã thu hút sự tham gia của những doanh nghiệp đến từ 02 nước gồm 120 gian hàng. Đây cũng là cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thắt chặt, phát triển hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

“Tôi mong gặp lại gia đình ân nhân Sủng Thon”

Bà Bùi Thị Thanh (Sư đoàn 968, Quân tình nguyện Việt - Lào): Sau khi học múa tại trường Cao đẳng nghệ thuật quân đội, tháng 5/1971, tôi sang Lào biểu diễn phục vụ người dân. Có những buổi tối, tôi diễn tới 4 lần. Người dân yêu quý tặng gà, lợn, hoa quả, mía, xoài, sung, tặng cả ô bằng giấy để tôi tránh mưa.

Bà Bùi Thị Thanh, cựu quân tình nguyện Việt - Lào.

Trong thời gian hoạt động, năm 1973 tôi bị địch phát hiện là người Việt Nam nên vây bắt. Người dân Lào đưa tôi đến nhà ông Sủng Thon, Tỉnh trưởng của tỉnh Salavanakhet trốn. Tôi ở dưới hầm trú ẩn ngay dưới phòng làm việc của ông. Hằng ngày, tôi được cần vụ của ông tiếp tế cơm nước. Sau 10 ngày trú ẩn, quân đội Lào đưa tôi ra ngoài và nhập vào sư đoàn 471 để tiếp tục biểu diễn văn hóa, văn nghệ phục vụ người dân tỉnh khác.

Khi chia tay, ông Sủng Thon căn dặn: “Đồng chí rất có năng lực và thu hút được rất nhiều người dân Lào. Rất tiếc đồng chí phải chuyển đi tỉnh khác. Đồng chí hãy tiếp tục phát huy tài năng và phục vụ bà con Lào". Câu nói của ông khiến tôi nhớ mãi.

Tôi coi Lào là đất nước thứ hai của mình, nên không bao giờ quên đất nước Lào. Năm 2009, tôi có dịp trở lại Lào thăm chiến trường xưa. Tôi tìm cách để gặp lại ông Sủng Thon, nhưng qua một số lãnh đạo, tôi biết tin ông đã mất. Giờ đây, tôi mong muốn được gặp lại gia đình ông Sủng Thon, thắp nén hương cho người đã cưu mang tôi trong giai đoạn khó khăn nhất.

"Em muốn đem kiến thức thầy cô Việt Nam giảng dạy truyền lại cho học sinh Lào"

Soudalath Xayyalath, lưu học sinh Lào tại Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên: Em đang học năm thứ ba chuyên ngành Sư phạm Vật lý tại trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên. Vật lý là môn khoa học thực nghiệm song những năm học phổ thông ở Lào chúng em không có điều kiện thực hành nhiều. Sang Việt Nam học, em được thực hành nhiều trong phòng thí nghiệm. Các giờ thực hành giúp em hiểu rõ những kiến thức lý thuyết thầy cô đã chia sẻ, từ đó củng cố, đào sâu kiến thức.

Soudalath Xayyalath, lưu học sinh Lào tại Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên.

Các trường phổ thông của Lào rất thiếu giáo viên Vật lý, nhiều trường chỉ có 2-3 giáo viên môn học này. Vì vậy em mong muốn với những kiến thức tích lũy được, trở về nước được góp phần vào việc thay đổi sách giáo khoa môn Vật lý từ cấp 2, thay đổi cách dạy, giảm lý thuyết, tăng thực hành cho phù hợp. Nếu học sinh Lào được học môn Vật lý như ở Việt Nam chắc chắn sẽ thấy dễ dàng và hứng thú hơn với môn học này.

"Hy vọng có nhiều dự án hợp tác âm nhạc Lào - Việt"

Vongsaynha Keonakhone (Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM): Tôi sinh ra và lớn lên tại Lào, nhưng có bố mẹ đều là người Việt. Quê của tôi ở Quảng Ngãi và tên tiếng Việt của tôi là Nguyễn Hải Quốc. Hiện tại tôi đang học tại Khoa âm nhạc, Đại học Nguyễn Tất Thành.

Tôi chọn Việt Nam để du học vì Việt Nam là quê hương của tôi. Sau 5 năm khi sống và học tập tại Việt Nam, tôi cảm thấy ngày càng yêu đất nước Việt Nam hơn. Ở đây, tôi có nhiều bạn bè, được nhiều người giúp đỡ, được các thầy cô, HLV quan tâm. Nếu được, tôi rất muốn gắn bó và phát triển con đường nghệ thuật ở quê hương.

Bản thân tôi rất thích âm nhạc Việt Nam. Tôi đã tham gia các chương trình giải trí tại Việt Nam như Giọng ải giọng ai, Sàn đấu ca từ, Giác quan thứ 6...Trong các màn biểu diễn, tôi đều cố gắng hát song ngữ Việt - Lào.

Vongsaynha Keonakhone (Sinh viên Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM)

Trong thời gian tới, tôi sẽ sáng tác những ca khúc về tình Việt - Lào phù hợp với gu âm nhạc của thế hệ trẻ hai nước. Tôi mong muốn được tham gia nhiều hơn các sự kiện giải trí của Việt Nam và các dự án của các nghệ sĩ Việt. Tôi hy vọng nền giải trí, trong đó có âm nhạc Việt Nam - Lào có nhiều dự án hợp tác với nhau, đặc biệt các dự án là dành cho giới trẻ. Bởi tôi cảm thấy âm nhạc, phim ảnh là cách tiếp cận nhanh nhất đến các thế hệ trẻ và cũng chính nó là chất xúc tác tô đậm thêm tình cảm nhân dân hai nước.

"VẬN ĐỘNG ĐỂ ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN NHÁNH TÂY ĐƯỢC CÔNG NHẬN LÀ DI TÍCH QUỐC GIA LÀO"

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Lào, Phó Chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Lào: Đường Trường Sơn nhánh Tây là tượng đài bất tử của quan hệ đoàn kết đặc biệt, của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, đóng góp cho tình hữu nghị sâu đậm của hai nước. Đến nay, hệ thống đường Trường Sơn ở Việt Nam đã được Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt, còn đường Trường Sơn nhánh Tây bên Lào thì chưa. Hội hữu nghị Việt Nam - Lào và Hội hữu nghị Lào - Việt Nam cần phối hợp tuyên truyền, vận động thúc đẩy các bộ, ngành của Lào đề nghị Chính phủ Lào công nhận đường Trường Sơn nhánh Tây là di tích quốc gia Lào - di sản của tình hữu nghị, đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào.

Kết nối vòng tay thiếu nhi Việt Nam - Lào - Campuchia
Ngày 10/8 tại TP.HCM, Liên hoan thiếu nhi Việt Nam - Lào - Campuchia năm 2022 chính thức được khai mạc với nhiều hoạt động sôi nổi, tạo cơ hội để thiếu nhi ba nước tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau.
Chăm sóc những hương hồn vì tình Lào - Việt
Đó là câu chuyện của những người suốt đời chăm sóc nghĩa trang của các liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh tại Lào.
Top