90 lưu học sinh Lào được gia đình người Việt nhận làm con nuôi |
Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Lai Châu thăm và tặng quà cho du học sinh Lào bị tai nạn |
Hết lòng vì học viên Lào
Cô giáo Vũ Thị Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa tiếng Việt luôn dành tình cảm đặc biệt đối với sinh viên Lào. Chương trình đào tạo của khoa được thiết kế linh hoạt phù hợp để các em nhanh chóng thích nghi và hoà nhập với môi trường mới.
“Ngoài kiến thức dạy trên lớp, trong hoạt động trong cuộc sống sinh hoạt của các em, giáo viên chúng tôi giao cho những bài tập thực tế và yêu cầu các em giao tiếp bằng tiếng Việt với người dân địa phương, cho các em đi chợ mặc cả hoặc quán cà phê gọi đồ uống. Các em tiến bộ trông thấy, ban đầu còn loay hoay với từng câu hỏi đơn giản như mớ rau, miếng thịt bao nhiêu tiền, càng về sau càng tự tin, càng sẵn sàng thể hiện khả năng tiếng Việt của mình", cô Hà kể.
Các cô giáo Việt Nam và các sinh viên Lào trường ĐH KD và CN Hà Nội tại lớp học tiếng Việt (Ảnh: Vũ Hà). |
Dần dần, những bài tập như phỏng vấn người Việt Nam, dịch bản tin Việt – Lào, sinh viên Lào đều làm tốt. Các em còn xung phong dẫn chương trình, hát bằng tiếng Việt trong các hoạt động của khoa, của trường. Khả năng tiếng Việt không chỉ giúp các em trong cuộc sống hàng ngày mà nhiều em nhận được giấy khen và giải thưởng.
Cô Hà cho biết dù nhiều em được nhận học bổng, được chu cấp tiền nhà và tiền sinh hoạt, các thầy cô vẫn khuyến khích các em đi làm thêm để có kỹ năng mềm, giao lưu với người dân, cũng là để hiểu thêm và yêu Việt Nam.
Em Moth Phommachan – sinh viên khoá 24 chia sẻ: “Sau giờ học, được đi làm thêm, có thêm bạn Việt Nam, khiến em rất vui khi việc học quá bận, em cũng không đi làm thêm nhưng những kinh nghiệm thu được em sử dụng trong cuộc sống hàng ngày và cả trong học tập.”
Đối với sinh viên Lào đến từ gia đình không có điều kiện khá giả, nhà trường hỗ trợ từ việc đưa đón các em từ quê nhà tại Lào đến cơ sở của trường ở Hà Nội, từ nơi ở đến bữa ăn, từ học phí cho đến tìm việc làm thêm. Sinh viên Lào ở tại ký túc xá của trường chỉ phải đóng khoảng 400.000 đồng/tháng, được sử dụng cơ sở vật chất trong khuôn viên trường cho các hoạt động ngoài giờ như sân vận động, phòng thể chất, dụng cụ thể thao...
Em Moth Phommachan chia sẻ: “Phụ trách cuộc sống của lưu học sinh có thầy Lâm và thầy Lê Tuấn cùng các thầy cô rất quan tâm đến chúng em. Văn phòng của thầy Tuấn ở ngay khu KTX, vì vậy có việc gì cần chúng em đều có thể tìm đến thầy. Thầy cô còn đến hỏi thăm, mua thuốc cho lúc chúng em ốm.”.
Nhờ vậy mà các em sinh viên vơi đi sự nhớ nhà, tập trung vào việc học tập và rèn luyện. Các em thêm yêu Việt Nam và con người Việt Nam.
Những ân tình sâu nặng sau khóa học
Phía những khóa học đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ, là những mối thâm tình của các học viên Lào với các thày cô và cả đất nước Việt Nam.
Với TS. Trần Đức Vượng – Phó Chủ nhiệm khoa Điện - Điện tử, cuộc đời giảng dạy của thầy là cái duyên với đất nước và con người Lào.
Tính đến năm 2021, tất cả 10 học viên Lào hệ Thạc sĩ do thầy Vượng hướng dẫn đều đã trở thành những cán bộ lãnh đạo trong các trường Phổ thông, Cao đẳng và Đại học Lào. Có người vừa mới được trở lại Việt Nam làm tiếp nghiên cứu sinh.
Thầy Vượng kể: anh Khăm Su Lin, cựu học sinh của thầy, người có trình độ tiếng Việt tốt, kết quả học tập và luận văn Cao học tốt nhưng vì tiêu chuẩn lúc đó Lào rất khó khăn mà không thể sang Việt Nam tiếp tục nghiên cứu. Chính thầy đã viết thư cho GS.TS Bo Sẻng Khăm Vôôngđara – nguyên Giám đốc ĐHQG Lào, khi đó đang là Bộ trưởng Bộ GD Lào để đề nghị cho anh Khăm sang Việt Nam. Bức thư của thầy đã được GS.TS Bo Sẻng Khăm Vôôngđara đồng ý. Với sự quan tâm, hỗ trợ từ nhà trường và thầy cô Việt Nam, sự nỗ lực học tập, anh Khăm Su Lin đã hoàn thành bậc học Tiến sĩ, hiện đang là Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách Khoa Lào.
Thầy Trần Đức Vượng nhớ về tấm giương sinh viên Lào khác là Phouvanh Siphomthaviboun – sinh viên 2 lần được đào tạo bậc trên đại học ở Việt Nam.
Thạc sĩ Phouvanh Siphomthaviboun là cán bộ ngành Công an của nước CHDCND Lào hiện đang học tiếng Việt ở Trường Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội để thực hiện nguyện vọng nghiên cứu học tập tại Việt Nam. Thời gian 2006-2010 chị đã học cao học bằng tiếng Anh ở Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội - Khóa học Việt-Bỉ. Tháng 5 năm 2022, chị đã là Tiến sĩ và đang công tác tại Bộ Công An CHDCND Lào.
Chồng của chị, anh Phongtisouk Siphomthaviboun sau khi học đại học ở Liên bang Nga, anh trở về Lào nhận công tác rồi được CHDCND Lào cử sang học tiếp hệ Cao học và nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội từ năm 2003 đến 2011 và anh đã được nhận học vị Tiến sĩ kinh tế. Hiện anh là cán bộ cao cấp có uy tín của nước CHDCND Lào.
Anh chị có 4 người con thì 3 người con đang học ở Việt Nam. Chị Phouvanh Siphomthaviboun có nói với thầy: “Em vô cùng cảm ơn các thầy cô giáo Việt Nam và đất nước Việt Nam. Cả nhà em đã và đang được học tập ở Việt Nam. Chúng em còn một con út đang ở Lào. Có lẽ vài năm nữa, chúng em cũng cho cháu sang học tập ở Việt Nam thôi.”
Hà Nội dự chi hơn 61 tỷ đồng để đào tạo cán bộ sau đại học |
Trường đại học Bách khoa Hà Nội tăng hạng trong xếp hạng thế giới |