Trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng tặng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc Chiều 7/11, tại Phủ Chủ tịch, Đảng bộ Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức trang trọng Lễ trao Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng tặng đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. |
Thư chúc mừng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam Sáng 18/11, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư gửi các nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11-2022). |
Thầy Ngọc làm thiện nguyện giúp đỡ học sinh và bà con vùng cao Lào. (Ảnh: NVCC) |
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Giang, cuộc sống khó khăn đã giúp tôi có tính tự lập từ rất nhỏ và trong lòng luôn có suy nghĩ phải cố gắng học tập để vươn lên...
Nghề… chọn người
Những năm tháng học tập dưới mái trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã cho tôi cơ duyên tiếp xúc với các bạn sinh viên người Lào và hiểu biết về văn hóa của họ. Tại đây, tôi theo học hệ cử nhân khoa Ngữ văn và trong đầu không hề có suy nghĩ là sau này sẽ làm giáo viên.
Vậy mà không hiểu vì lý do gì đến năm thứ tư đại học, tôi lại đăng ký học thêm lớp nghiệp vụ sư phạm. Năm 2013, sau tốt nghiệp đại học, tôi quyết định sang Lào để khám phá, học hỏi và tìm cơ hội làm việc.
Ở thủ đô Vientiane, tôi được nhận vào làm giáo viên dạy tiếng Việt của một trường học dành cho Việt kiều. Trong thời gian đầu, do chưa biết tiếng Lào cũng như mới sang Lào nên tôi còn gặp rất nhiều khó khăn cả trong quá trình dạy học cũng như trong cuộc sống.
Sau đó, tôi vừa dạy học vừa đi học thêm tiếng tại Đại học Quốc gia Lào nhằm phục vụ tốt cho công tác giảng dạy. Guồng quay của cuộc sống cuốn tôi đi với các công việc dạy học trên lớp, dạy thêm cho các công ty, ngân hàng, làm gia sư tại các gia đình Việt kiều. Tiếp đó, tôi đăng ký học lên Thạc sĩ Ngôn ngữ và văn học tại Đại học Quốc gia Lào.
Chính những năm tháng đó đã giúp tôi yêu nghề giáo viên từ khi nào không biết. Đối với tôi, công việc này được hình thành và nuôi dưỡng bởi đất nước và con người Lào nên tôi càng cảm thấy rất cao cả và đáng tự hào.
Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Lào, tôi trở về Việt Nam và công tác tại Trung tâm Đối ngoại tuyển sinh của Trường Đại học khoa học Thái Nguyên. Nơi đây có rất nhiều sinh viên Lào đang theo học nên những kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm tích lũy tại Lào đã được tôi áp dụng tại đây.
Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc và các học sinh Lào tại lớp học. (Ảnh: NVCC) |
Cơ duyên thứ hai
Tháng 5/ 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam có thông báo tuyển giáo viên đi giảng dạy tiếng Việt tại Lào nhiệm kỳ (2021-2023). Niềm đam mê, cũng như “duyên số” với đất nước và con người Lào một lần nữa thôi thúc tôi nộp hồ sơ. Sau khi trúng tuyển vào tháng 11/2021, tôi cùng đoàn giáo viên lên đường để sang nước bạn Lào làm nhiệm vụ giảng dạy tiếng Việt.
Lần thứ hai trở lại Lào rất đặc biệt vì tôi đi với một vai trò mới (theo diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam) và lúc này, tình hình dịch Covid -19 đang diễn ra hết sức phức tạp. Tuy nhiên, lòng nhiệt huyết đối với nhiệm vụ được giao đã thúc đẩy tôi cùng đoàn giáo viên vượt qua những khó khăn của những ngày tháng cách ly và đến được nơi công tác.
Vượt qua quãng đường gần 2.000 km đường bộ khó khăn, tôi tới được nơi phân công công tác là Trường THPT Viêng Phu Kha, huyện Viêng Phu Kha, tỉnh Luổng Nậm Thà.
Dù được làm việc tại ngôi trường cấp III khang trang do Chính phủ Việt Nam xây dựng tặng nước bạn Lào, nhưng ban đầu tôi khá bỡ ngỡ với cuộc sống ở Viêng Phu Kha - một huyện miền núi nghèo, đông bà con dân tộc thiểu số sinh sống.
Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc tham dự ngày lễ truyền thống tại Lào. (Ảnh: NVCC) |
Cuộc sống trên vùng cao Bắc Lào
Lần đầu đặt chân đến nơi đây, tôi phải làm quen với các thầy cô giáo cùng học sinh trong trường, bà con dân bản ở xung quanh, ổn định chỗ ăn ở và thích nghi dần với cuộc sống mới ở vùng cao.
Qua tìm hiểu, tôi thấy học sinh và bà con dân bản ở đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Có những em học sinh nhà ở rất xa, không có phương tiện đi lại, các em phải đi bộ hơn 30 km đường rừng để đến trường.
Trường tôi công tác không phải là trường nội trú nên không có ký túc xá dành cho cho học sinh. Bởi vậy, các em đã tự làm lán ở trên quả đồi phía sau trường để tiện cho việc đi học. Khi tôi lên công tác, có khoảng 20 cái lán như vậy, mỗi lán có ba, bốn em học sinh ở. Lán của các em được làm từ tre nứa mưa thì dột, nắng thì nóng, không điện, không nước.
Thấy hoàn cảnh như vậy, tôi đã vận động anh chị em bạn bè thân thiết gửi quần áo, chăn màn, đồ dùng học tập lên để giúp các em. Tôi cũng vận động nhà trường và lãnh đạo Sở, huyện cho các em xuống ở trong dãy ký túc xá cạnh phòng của tôi để các em có điện, có nước sinh hoạt.
Càng công tác và sống cùng với các em cũng như dân bản, tôi càng cảm nhận được những nỗi vất vả của người dân nơi đây. Tôi mong muốn cùng với bạn bè, các nhà hảo tâm chung tay giúp sức để các em học sinh cũng như bà con vùng cao Lào có điều kiện sống tốt hơn.
Cho đến nay, tôi vẫn cố gắng giúp đỡ các em bằng khả năng có thể và hy vọng rằng sự giúp đỡ của tôi và bạn bè sẽ góp phần vun đắp mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào.
Quá trình công tác tại Trường THPT Viêng Phu Kha đã để lại trong tôi rất nhiều cảm xúc. Đó là câu chuyện khi tôi bị nhiễm Covid-19 đã nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ phía Nhà trường, cũng như Phòng giáo dục, Sở giáo dục cùng bà con dân bản.
Hình ảnh thầy Hiệu phó nhà trường đi tìm mua dừa tươi khắp huyện nhưng không có. Cuối cùng, thầy mua được hai quả dừa khô về bổ để lấy nước cho tôi uống mãi là hình ảnh tôi không bao giờ quên.
Hay việc các em học sinh vùng cao mang đến biếu cho thầy giáo Việt Nam khi thì nải chuối, khi thì mấy củ khoai lang, khi thì bó mây rừng… là điều tôi cũng không thể quên được. Tình cảm thầy trò chân chất thật không gì quý bằng!
Đó còn là những buổi tối cùng các em học sinh nhà trường cùng nhau cuốc đất, nhổ cỏ, trồng rau, tưới rau. Thầy trò sau giờ lên lớp cùng nhau lao động để có rau ăn cải thiện và tiết kiệm chi phí.
Rồi hình ảnh những bà “Mạ” người dân tộc Khơ-mụ thường xuyên sang thăm hỏi, có đồ ăn thức uống cũng mang sang phòng cho thầy giáo Việt Nam….
Hơn một năm công tác và sinh sống trên vùng cao của nước bạn Lào, tôi nhận ra không có gì là quá khó hay quá khổ nữa. Tôi tự nhủ, hãy hòa mình vào cuộc sống của các em học sinh cũng như người dân bản để thấu hiểu và giúp đỡ họ giống như họ đã giúp đỡ mình những lúc ốm đau khi chỉ có một thân một mình không có người thân và gia đình ở cạnh.
Chắc hẳn năm sau, khi hết nhiệm kỳ trở về nước, tôi sẽ rất nhớ vùng đất này, nhớ các thầy cô đồng nghiệp, nhớ các em học sinh, nhớ bà con ở đây.
Tôi xúc động nhất câu nói của bà mẹ người Khơ-mụ nói với tôi rằng: “Con về Việt rồi, mẹ không được gặp lại con, mẹ sẽ nhớ con nhiều lắm!”.
"Đây là những trải nghiệm trong quãng thời gian tám năm sinh sống, học tập và công tác tại nước bạn Lào của tôi. Có lẽ, trong khoảng thời gian ấy, hai năm công tác ở cùng núi cao Bắc Lào đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất. Tôi mong bản thân mình vững tâm để vượt qua những khó khăn, vất vả, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao phó khi sang công tác tại Lào. Tôi cũng mong rằng những người giáo viên như chúng tôi sẽ được Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận, có những chính sách đãi ngộ tốt và xứng đáng hơn nữa" Thầy giáo Nguyễn Thành Ngọc |
Mỗi hội viên là một tuyên truyền viên về quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào |
Hơn 800 lao động tự do Việt Nam ở Campuchia đã về nước |