Tin tức - sự kiện

Chính sách bảo hiểm xã hội đóng vai trò quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trước Covid -19

2024-12-21 12:56:54
Bảo đảm an sinh xã hội và an toàn phòng, chống dịch
Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát việc bảo đảm trang bị phòng hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, tình nguyện viên, Tổ COVID-19 cộng đồng…
Đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ chu đáo người dân trong khu phong tỏa
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh tại buổi kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân hôm nay (25/8).

Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó nêu rõ: “Người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa không quá 12 tháng”.

Kết quả đã thực hiện được hơn 33.000 tỷ đồng cho gần 14,5 triệu đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.846 đơn vị/doanh nghiệp cho 192.503 lao động với tổng số tiền tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trên 786 tỷ đồng.

Trước những tác động nặng nề của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 (kể từ 27/4/2021), Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đưa ra 12 chính sách hỗ trợ, trong đó nguồn từ quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp và quỹ bảo hiểm tai nạn gồm:

Một là: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng bằng 0% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022) cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (trừ cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người lao động trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng lương từ ngân sách nhà nước). Người sử dụng lao động hỗ trợ toàn bộ số tiền có được từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động phòng chống đại dịch Covid-19;

Hai là: Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4/2021 mà bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên so với thời điểm tháng 4/2021 (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) thì người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị. Đối với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 và Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết nhưng tổng thời gian tạm dừng đóng không quá 12 tháng.

Ba là: Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ; thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020; có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo quy định. Mức hỗ trợ tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Người lao động làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Ảnh minh hoạ

Hồ sơ đề nghị hỗ trợ được nộp trong thời gian từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022. Kết quả triển khai đến nay, nhóm chính sách bảo hiểm có tổng kinh phí hỗ trợ là gần 5,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 30,6% kinh phí dự kiến chính sách về bảo hiểm của Nghị quyết 68), hỗ trợ cho 378.690 đơn vị sử dụng lao động và trên 11,57 triệu người lao động. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho 378.060 đơn vị sử dụng lao động với gần 11,46 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng.

Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đã được thực hiện tại 54/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tổng số 630 đơn vị sử dụng lao động và 113.444 người lao động, tổng kinh phí 777 tỷ đồng (chiếm 9,2% kinh phí dự kiến ban đầu của chính sách này). Đối với chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, có 17 đơn vị sử dụng lao động đã đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 1.308 người lao động.

Gần đây nhất, ngày 24/9/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nêu rõ:

Hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm ngày 30 tháng 9 năm 2021 (không bao gồm người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên); Người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp do chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 30/9/2021 có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp được bảo lưu theo quy định của pháp luật về việc làm, không bao gồm người hưởng lương hưu hàng tháng. Với mức hỗ trợ từ 1.800.000 đồng/người đến 3.300.000 đồng/người);

Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19: Người sử dụng lao động quy định tại Điều 43 của Luật Việc làm (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 1/10/2021.

Mức giảm đóng: Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022. Dự kiến khoảng hơn 13 triệu lao động và khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Bên cạnh đó, với việc tổ chức thực hiện các chính sách kịp thời, giảm tối thiểu các thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, do vậy các gói hỗ trợ nêu trên đã kịp thời đến với người dân, người lao động và doanh nghiệp để có thể vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Với kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định vai trò trụ cột của các Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động – BNN trong đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, người dân và hỗ trợ sản xuất – kinh doanh của người lao động. Để tiếp tục đóng vai trò trụ cột trong các chính sách an sinh xã hội, trong thời gian tới theo chúng tôi chính sách bảo hiểm xã hội cần tiếp tục tập trung các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền về tính ưu việt của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội tự nguyện, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về chính sách bảo hiểm, đặc biệt là vai trò của chính sách bảo hiểm xã hội trong việc hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid – 19 sẽ củng cố hơn nữa niềm tin của mọi người dân, doanh nghiệp vào mục tiêu an sinh xã hội rất quan trọng của bảo hiểm xã hội.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội kể cả bắt buộc và tự nguyện, chính sách bảo hiểm thất nghiệp cần quan tâm đến việc hỗ trợ về đào tạo nghề và nâng cao trình độ nghề nghiệp, kết nối cung – cầu để sớm đưa người lao động trở lại thị trường lao động, cụ thể đó là:

Thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội kể cả chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc và chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cần linh hoạt đối với các điều kiện tham gia, thụ hưởng chính sách nhằm hấp dẫn hơn để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội– đây là chính sách an sinh xã hội chủ động và bền vững nhất, tiến tới bảo hiểm xã hội toàn dân, tức là mọi người lao động và người có thu nhập đều tham gia bảo hiểm xã hội.

Tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội để khắc phục tình trạng trốn đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội hiện nay. Xem các hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội và chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động là tội hình sự để nâng cao hiệu lực xử lý vi phạm pháp luật bảo hiểm xã hội; Có phương án giải quyết cụ thể về quyền lợi cho người lao động khi doanh nghiệp nợ, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội và không còn tài sản để giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.

Đảm bảo việc cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, dự thảo luật cần tính toán tiền lương đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng nên thực hiện theo mức tiền ghi trong hợp đồng lao động nhằm đảm bảo việc đóng và hưởng sau này của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đồng thời xem xét việc điều chỉnh mức tiền lương hưu hưởng hàng tháng theo một lộ trình phù hợp để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đóng – hưởng bảo hiểm xã hội, đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm xã hội lâu dài. Bên cạnh đó, về chính sách đầu tư của quỹ bảo hiểm xã hội, cũng cần được xem xét kỹ lưỡng về hình thức đầu tư và nên được linh hoạt hơn song vẫn phải đảm bảo quỹ bảo hiểm xã hội là quỹ an sinh xã hội lớn nhất của quốc gia, liên quan đến nhiều người lao động, do vậy, hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội phải đảm bảo mục tiêu an toàn khi tiến hành các hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ.

Nghiên cứu tăng mức hỗ trợ hiện nay cao hơn, hấp dẫn người lao động, người dân tham gia: Ví dụ theo một số chuyên gia nêu, khi người dân mới tham gia bảo hiểm xã hội, Nhà nước có mức hỗ trợ tối đa (khoảng 70%) nhằm tạo thói quen, đẩy nhanh độ bao phủ bảo hiểm xã hội, đến khi người dân có điều kiện kinh tế khá giả hơn và đã nhận thức được tính ưu việt của chính sách, có thói quen tham gia bảo hiểm xã hội thì chúng ta xem xét thực hiện lộ trình hỗ trợ theo hướng giảm dần một cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phát triển hơn nữa đội ngũ công tác viên, khai thác viên trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Hàng triệu lao động thất nghiệp do dịch Covid-19 được hỗ trợ. Ảnh minh họa

Thứ ba, Tăng cường sự phối hợp trong thực hiện và tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội như: sự phối hợp với các tổ chức Công đoàn, Hội Phụ nữ, Liên minh hợp tác xã, Đoàn thanh niên,… cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành để tạo sự đồng thuận, đồng bộ trong quá trình đưa chính sách bảo hiểm xã hội đến mọi người dân, người lao động, doanh nghiệp mới đảm bảo được hết tính ưu việt trong thực hiện và mở rộng độ bao phủ của chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác dự báo nhu cầu tham gia, đánh giá khả năng tham gia của người lao động nói riêng và người dân nói chung để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách có liên quan ngày một phù hợp hơn và hấp dẫn người dân trong việc tham gia bảo hiểm xã hội. Việc thiết kế chính sách (về đối tượng, mức đóng, chế độ hưởng…) cũng cần linh hoạt hơn nữa. Ví dụ, nghiên cứu có lộ trình mở rộng các chế độ ngắn hạn và linh hoạt đối với chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện để hấp dẫn và công bằng hơn trong các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Đồng thời, cần có những biện pháp để chủ động hơn trong việc ứng phó với các rủi ro lớn có thể xảy ra như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hiện nay để kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động và doanh nghiệp.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ, chia sẻ cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong việc giải quyết chế độ; đồng bộ hóa và có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, theo dõi, giám sát cũng như thiết kế chính sách bảo hiểm xã hội, đồng thời tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện trong các khâu thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội.

Ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam kịp thời hỗ trợ 11,2 triệu lao động khó khăn do dịch COVID-19
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện các giải pháp giảm thời gian giải quyết hồ sơ; đơn giản hoá thủ tục; đa dạng hình thức nộp hồ sơ; tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, làm thêm giờ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 ở TPHCM
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ở Thành phố Hồ Chí Minh và lây lan khá nhanh ra một số địa phương khác, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 914/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 để thực hiện mục tiêu kép.

Top