Tin tức - sự kiện

Giáo sư Ahn Kyong Hwan (Hàn Quốc): Tôi yêu Việt Nam, yêu “hồn Việt”

2024-12-20 20:04:55
Giáo sư Ngô Bảo Châu chính thức trở thành giáo sư của Collège de France (Pháp)
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp Giáo sư Ahn Kyong Hwan

Chuyên gia về biển Đông

Giáo sư Ahn Kyong Hwan hiện là chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt Trường Đại học Chosun ở Gwangju (Hàn Quốc). Ông nghiên cứu và tìm hiểu sâu về lịch sử, văn học, văn hóa... của Việt Nam. Ông có nhiều công trình nghiên cứu, bài viết thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với các vấn đề liên quan đến chính trị, xã hội của đất nước hình chữ S. Đặc biệt về vấn đề biển Đông, Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã tổ chức nhiều hội thảo, triển lãm và đăng tải nhiều bài viết bày tỏ quan điểm của ông trước vấn đề này.

Bài viết: Vấn đề chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đăng trên Báo điện tử Kinh tế Aju (Hàn Quốc).

Mới đây, Giáo sư Anh Kyong Hwan, đã có bài viết với tiêu đề “Vấn đề chủ quyền của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” đăng trên báo điện tử Kinh tế Aju (Hàn Quốc).

Trong bài viết, tác giả chính thức sử dụng danh từ “Hoàng Sa” và “Trường Sa” được phiên âm sang tiếng Hàn thay vì sử dụng các danh từ phiên âm từ tiếng Anh như trước đây.

Giáo sư Anh Kyong Hwan lên án các hành vi phá vỡ thực trạng môi trường ở biển Đông của Trung Quốc. Ông cho rằng vấn đề chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất quan trọng đối với hòa bình thế giới. Việc đòi chủ quyền trong khu vực đường lưỡi bò của Trung Quốc là một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất mà các nước trong khu vực đặc biệt là Việt Nam phải đối mặt trong thế kỷ 21.

Dựa trên cơ sở phân tích những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý bài viết chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông đưa ra những lập luận để khẳng định Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế khi không tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển đã được chính Trung Quốc phê chuẩn và không tuân thủ Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế tháng 7/2016.

Triển lãm hơn 50 bức ảnh về các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (Ảnh: Vietnamnet)

Năm 2016, Giáo sư Ahn Kyoung Hwan với cương vị là Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “tình hình và triển vọng giải quyết tranh chấp ở Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ kiện của Philippines” tại Gwangju, Hàn Quốc.

Tại hội thảo, ban tổ chức kết hợp triển lãm hơn 50 bức ảnh về các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số hình ảnh, bản đồ cổ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Triển lãm ảnh về các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông tại Hàn Quốc (Ảnh: VUFO)

Năm 2015, Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc đã tổ chức Triển lãm ảnh về hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông tại trường Đại học Chosun, thành phố Gwangju, Hàn Quốc.

GS.TS Ahn Kyong Hwan, Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học, cho biết: “Biển Đông là tuyến hàng hải quốc tế huyết mạch, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và có vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Việt Nam, Philippines, Trung Quốc, các quốc gia trong khu vực mà còn với tất cả các quốc gia trên thế giới. Do vậy, duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển ở Biển Đông là bổn phận và trách nhiệm của các quốc gia và là yếu tố quan trọng để đảm bảo hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm và yêu sách về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia trong khu vực còn nhiều khác biệt nên Biển Đông vẫn chưa được bình yên. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã cho tiến hành các hoạt động xây dựng, mở rộng, tôn tạo các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam”.

Phát biểu tại triển lãm, GS Ahn Kyong Hwan nhận định, triển lãm lần này trưng bày hơn 80 bức ảnh về các bãi, đá trên quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trước, trong và sau khi Trung Quốc triển khai các hoạt động nạo vét, bồi đắp, mở rộng trái phép và tác động của việc làm này tới môi trường sinh thái biển. Triển lãm cũng trưng bày một số hình ảnh, bản đồ cổ thể hiện vị trí của quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông.

GS Ahn Kyong Hwan khẳng định những hình ảnh tại triển lãm là thông điệp ban tổ chức muốn gửi đến người xem nhằm góp phần kêu gọi các bên liên quan xuất phát từ tinh thần và trách nhiệm quốc tế chấm dứt các hành động căng thẳng, đơn phương phá vỡ nguyên trạng ở Biển Đông.

Chuyên gia Việt Nam học

Trang bìa Truyện Kiều được Giáo sư Ahn Kyoung Hwan dịch sang tiếng Hàn Quốc.

Với mong muốn phát triển ngành Việt Nam học và có thêm nhiều người dân Hàn Quốc có hiểu biết tích cực về Việt Nam, ngoài việc biên soạn sách dạy tiếng Việt cho học sinh Hàn Quốc Giáo sư Ahn đã dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để dịch, tự đi xin tài trợ để xuất bản và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn. Các tác phẩm được ông biên dịch có thể kể đến như: “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”...

Việc xuất bản các tác phẩm nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc đã làm cho người dân Hàn Quốc có nhiều hiểu biết hơn về Việt Nam, có cảm tình với Việt Nam và có những tình cảm kính phục đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người rất am tường về văn hóa, lịch sử Việt Nam và luôn dành tình cảm đặc biệt sâu sắc cho Việt Nam ông Ahn Kyoung Hwan khẳng định: “Tôi yêu hồn Việt, tôi muốn giới thiệu văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc để góp phần tăng cường mối quan hệ giữa hai nước”. Trong những năm qua, ông đã có rất nhiều đóng góp, nỗ lực để thực hiện mong muốn đó.

Trang bìa cuốn Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bằng tiếng Hàn.

Giáo sư Ahn Kyong Hwan học tiếng Việt Nam từ năm 1974 tại khoa Tiếng Việt trường Đại học Hàn Quốc. Sau một thời gian làm doanh nghiệp, nhận thấy việc truyền bá ngôn ngữ là một kênh quan trọng để làm nền tảng cho việc phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Trong quá trình làm Giám đốc Chi nhánh tại Việt Nam của Tập đoàn Hyundai, ông đã kiên trì theo học hệ cao học (thạc sĩ và tiến sĩ) ngành ngôn ngữ tiếng Việt. Sau khi bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ Ngôn ngữ, tại trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, ông quyết định trở về Hàn Quốc để trở thành Giáo sư giảng dạy bộ môn Việt Nam học tại trường Đại học Youngsan (là một trường có truyền thống về dạy ngôn ngữ tại Busan).

Giáo sư đã tham gia nhiều vai trò trong các tổ chức hữu nghị với Việt Nam, dành phần lớn thời gian cuộc đời mình để truyền bá văn hóa Việt Nam tới người dân Hàn Quốc, dịch các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Hàn Quốc; tổ chức các hội thảo, triển lãm về: các tác phẩm văn học của Việt Nam, tinh thần dân tộc và đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam…

Giáo sư, Tiến sĩ Ahn Kyong-Hwan (giữa) trao cuốn sách Truyện Kiều được dịch ra tiếng

Hàn Quốc cho Ban quản lý di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du.

Với vai trò là Chủ tịch Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc, với tình yêu vô điều kiện với Viêt Nam, Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã rất tích cực, ở mọi nơi, mọi lúc tuyên truyền về tình hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc. Ông tranh thủ vận động các tổ chức, cá nhân Hàn Quốc ủng hộ về mặt tinh thần, vật chất cho các hoạt động giao lưu hữu nghị với Việt Nam. Cá nhân ông cũng đã đóng góp tài chính cho các hoạt động giao lưu của Hội nghiên cứu Việt Nam học tại Hàn Quốc và kinh phí duy trì văn phòng của Hội từ nhiều năm.

Vì những đóng góp to lớn trong các hoạt động giao lưu hữu nghị nhân dân Việt Nam-Hàn Quốc và quảng bá văn hóa Việt Nam, Giáo sư Ahn Kyong Hwan đã được Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt Đảng, Nhà nước, Quốc hội trao tặng Huân Chương Hữu nghị của Việt Nam vào tháng 12/2018, được nhận danh hiệu Công dân danh dự của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

"Giáo sư quần đùi" Trương Nguyện Thành là ai?

Ngày 8/6, Trường đại học Văn Lang đã trao quyết định bổ nhiệm giáo sư Trương Nguyện Thành làm phó hiệu trưởng trường đại học ...

Giáo sư Ngô Vĩnh Long – Khoa Lịch sử, Đại học Maine, Mỹ: Nếu Trung Quốc không thực thi phán của tòa PCA thì có thể bị kiện tiếp

TĐO - Bên lề Hội thảo “Quy chế pháp lý của đảo, đá trong luật quốc tế và thực tiễn Biển Đông” diễn ra tại ...

Giáo sư Việt nổi danh ở Đại học Mỹ

(TĐO) - Là giảng viên tại những trường Đại học danh tiếng của Mỹ, họ đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước với ...

Top