Sáng 2/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 (Ban Chỉ đạo COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó trưởng Ban Chỉ đạo; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Mở đầu Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh phiên họp diễn ra trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 3; cho thấy biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, gây hậu quả khốc liệt. Do đó, chống biến đổi khí hậu cần hành động nhanh hơn nữa, trong đó có việc thực hiện cam kết về giảm phát thải.
Sau COP26, Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo COP26 và triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực triển khai các nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cam kết quốc tế của Việt Nam đã được luật hóa. Chương trình hành động và nhiều chương trình, dự án, đề án thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 được xây dựng, triển khai. Tuy nhiên so với nhu cầu, diễn biến thực tế cần quyết liệt hơn.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định bối cảnh tình hình hiện nay, càng khẳng định phát triển xanh là xu hướng tất yếu và việc thực hiện cam kết giảm phát thải cần có “quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm,” phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm” để thực hiện nhiệm vụ thời gian tới hiệu quả cao hơn, kết hợp được sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại, thực hiện nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới phát thải ròng bằng “0,” bảo vệ môi trường, phát triển nhanh và bền vững đất nước để vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải hành động với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối, vận động thu hút nguồn lực, kinh nghiệm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế để vượt qua các khó khăn, thách thức.
Tại Phiên họp này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo tập trung đánh giá tình hình thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhất là kết quả thực hiện các nhiệm vụ đề ra tại Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) và AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á)...
Cùng với đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được; các khó khăn, vướng mắc; nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam tại COP26, nhất là cho ý kiến về việc sửa đổi khung pháp lý tạo thuận lợi cho đầu tư từ doanh nghiệp, quốc tế vào chuyển đổi năng lượng.
Theo Ban Chỉ đạo, từ sau Phiên họp lần thứ 4 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và các đề án cụ thể để triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26.
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia; ban hành Nghị định quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và khung giá điện, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà... nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong trung và dài hạn.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia; Chiến lược phát triển ngành ôtô Việt Nam; Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia; Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; Kế hoạch hành động quốc gia triển khai Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững; Đề án triển khai JETP và công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP tại COP28; Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng, chống thiên tai; Đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng; danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; danh mục lĩnh vực cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon...
Lãnh đạo Chính phủ và Lãnh đạo các Bộ, ngành đã làm việc với nhiều lãnh đạo đối tác quốc tế để thúc đẩy tiếp cận các nguồn lực tài chính, công nghệ, mở nhiều cơ hội hợp tác phát triển, hướng tới tăng trưởng phát thải carbon thấp và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng.
Các bộ, ngành, cơ quan đã tích cực vào cuộc, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp từ hoàn thiện thể chế, chính sách đến triển khai thực hiện các đề án, dự án cụ thể và đạt được nhiều kết quả kể từ sau Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Để triển khai cam kết tại COP26, các tổ chức ngân hàng trong nước và quốc tế tại Việt Nam đã đồng hành với Chính phủ, tích cực vào cuộc thực hiện nhiều dịch vụ, sản phẩm cùng với các gói tín dụng xanh, cho vay xanh phục vụ chuyển đổi xanh và chuyển đổi năng lượng công bằng.
Các tập đoàn nhà nước đã đi đầu trong nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng mới, thực hiện chuyển đổi xanh; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hoạt động quản lý, điều hành, tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, giảm phát thải khí nhà kính.
Các tỉnh, thành phố tiếp tục tổ chức triển khai, quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, từng bước thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Các địa phương đã đôn đốc doanh nghiệp thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm phát thải, phát triển các nhà máy điện rác; phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng tiết kiệm năng lượng.
Một số thành phố lớn đã phát triển rộng rãi hệ thống tuyến xe buýt điện, mạng lưới xe đạp công cộng. Một số địa phương đã và đang xúc tiến tham gia các chương trình, dự án trao đổi kết quả giảm phát thải carbon rừng.
Về triển khai thực hiện JETP và Sáng kiến AZEC đã được triển khai tích cực. Trong đó, xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP đã được Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị COP28, đề ra 37 dự án đầu tư đã có trong các chương trình, quy hoạch; 181 dự án đầu tư đề xuất để kêu gọi vận động tài trợ; 61 dự án/nhóm dự án hỗ trợ kỹ thuật do các đối tác trong nước và quốc tế đề xuất; 10 nhóm ý tưởng dự án do Nhóm IPG và Liên minh Tài chính GFANZ đề xuất.
Triển khai AZEC, các bộ, ngành đã phối hợp với phía Nhật Bản đề xuất các Nhóm công tác thúc đẩy thực hiện AZEC, chuyển đổi xanh để thúc đẩy hợp tác công-tư giữa Nhật Bản với Việt Nam; phối hợp với Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đề xuất Nền tảng thúc đẩy các dự án AZEC - Chuyển đổi xanh.
Phía Nhật Bản đã đề xuất 82 dự án về năng lượng thuộc các nhóm và đang tích cực làm việc với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương…
Phóng viên TTXVN tiếp tục thông tin về Phiên họp./.
Sáng 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, chủ trì Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo.