Tình cảm ấm áp của người nhạc sĩ Lào luôn dành tình yêu đặc biệt cho Bác Hồ |
Liên minh chiến đấu Việt-Lào: Chúng tôi đã sống, chiến đấu cùng một chiến hào |
Những "địa chỉ đỏ" trên đất Lào
Những ngày giữa tháng 7 ở Lào đang là mùa mưa nhưng trên công trường công trình Khu Điện thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam - Lào tại bản Nhuom, huyện Pek, tỉnh Xiengkhuang, các đội thợ vẫn mải miết thi công để hoàn tất giai đoạn 1, tiến tới ngày 24/7 tổ chức đại lễ cầu siêu để các anh hùng liệt sĩ ở tất cả các mặt trận trên chiến trường Lào hội tụ về đây.
Khu Điện thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam – Lào có diện tích 10ha, được khởi công vào ngày 24/3/2022. Đây là khu điện thờ đầu tiên do cộng đồng người Việt Nam tại Lào xây dựng nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ hai nước đã hy sinh trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập cho hai dân tộc.
Ông Hà Văn Cảnh, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tỉnh Xiengkhuang cho biết: Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt tại tỉnh Xiengkhuang từ 1969-1972, quân địch đã tiến hành đánh chiếm vùng giải phóng Cánh Đồng Chum Xiengkhuang. Trong thời khắc nước sôi lửa bỏng đó, thể theo yêu cầu giúp đỡ của Cách mạng Lào, Đảng, Chính phủ và Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chi viện cho nước bạn.
Nhiều đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã sang Lào kề vai sát cánh, chiến đấu cùng một chiến hào với bộ đội và nhân dân Lào để chống lại kẻ thù chung. Trong những trận chiến đó, đã có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hai nước đã hy sinh. Riêng tại địa bàn 3 tỉnh Xiengkhuang, Xaysomboun và tỉnh Vientiane đã có trên 15.000 cán bộ chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã hy sinh.
Công trường công trình Khu Điện thờ các anh hùng liệt sĩ Việt Nam – Lào (Ảnh: Trường Hùng). |
Theo ông Hà Văn Cảnh, với truyền thống "uống nước nhớ nguồn," "ăn quả nhớ kẻ trồng cây," cộng đồng người Việt Nam tại tỉnh Xiengkhuang coi việc xây dựng khu điện thờ này là trách nhiệm của thế hệ đi sau nhằm tri ân và đền đáp phần nào sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng liệt sĩ hai nước đã hy sinh vì nền độc lập và hòa bình của hai dân tộc.
Một "địa chỉ đỏ" khác để bà con Việt Nam, Lào hành hương về thắp nén tâm nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hai nước là Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam tại Ban Kon (Bản Cơn), huyện Phonhong, tỉnh Vientiane. Nơi đây ghi dấu chiến công của Liên quân Lào - Việt Nam trong cuộc chiến đấu ngày 23/1/1946, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Bản Cơn, trong đó có cứ điểm Phonehe, là cứ điểm mạnh nhất của thực dân Pháp tại Vientiane lúc bấy giờ.
Chiến thắng Bản Cơn có ý nghĩa to lớn, đánh dấu mốc son tiêu biểu cho tinh thần hợp tác Lào – Việt Nam ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Tại đây, 28 chiến sĩ Việt và Lào đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì tình đoàn kết chiến đấu và mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào.
Tại tỉnh Xaysomboun, Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam được xây dựng trên nền một nghĩa trang từng làm nơi chôn cất hài cốt các chiến sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào. Công trình được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của chính phủ Việt Nam trên diện tích 4.300 m², với tổng vốn đầu tư gần 4,5 tỷ kíp (55.000 USD). Trung tâm tượng đài gồm nhiều hạng mục như: tượng chính cao 11m; tượng hai chiến sĩ cao 3,2m; hai bức phù điêu đặt ở hai cánh gà.
Tại huyện Paksong, tỉnh Champasak thuộc miền Nam Lào trên cao nguyên Bolaven, Chính phủ Lào đã xây dựng Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào trên diện tích hơn 4 hecta. Công trình có 13 hạng mục, gồm hai trụ tháp cao 11m đường kính 13m, một cụm phù điêu cao 4,5m, rộng 9m, một nhà điều hành, một nhà trưng bày, cùng nhiều hạng mục sân vườn, hệ thống điện nước… Trên hai trụ tháp ở hai bên Đài tưởng niệm có ghi các dòng chữ "Tổ quốc ghi công" và "Nhân dân Lào ghi nhớ công ơn các đồng chí chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã cống hiến đời mình cho cách mạng Lào". Bên các đài tưởng niệm đều có tượng hai chiến sĩ Việt Nam và Lào sát cánh bên nhau, ôm súng xốc tới, được đặt trên ụ cao và phía dưới là lư hương lớn.
Tại tỉnh Attapeu, già trẻ lớn bé đều biết về Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Việt - Lào. Công trình được khởi công xây dựng từ năm 1998, hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2000, bằng nguồn kinh phí của Chính phủ nước CHDCND Lào và được chính phủ Việt Nam tài trợ, nâng cấp sửa chữa, xây dựng một số hạng mục. Tượng đài là sự tri ân của Đảng, Nhà nước, nhân dân và quân đội hai nước đối với những anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam và cán bộ, chiến sĩ nhân dân Lào đã ngã xuống, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của hai nước, hai dân tộc.
Biểu tượng của tình đoàn kết liên minh chiến đấu vĩ đại
Trên hầu khắp các tỉnh thành của Lào, những nơi trước đây từng là mặt trận ác liệt trong thời kỳ hai nước sát cánh chống kẻ thù chung, các khu tưởng niệm, đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đều được xây dựng. Nổi bật là tại các tỉnh Bắc và Trung Lào như: Udomxay, Huaphanh, Vientiane, XiengKhuang, Xaysomboun, Khammuan, Bolikhamxay và các tỉnh Nam Lào như Savannakhet, Sekong, Champasak và Attapeu.
Đài tưởng niệm vừa là công trình văn hóa có ý nghĩa sâu sắc vừa là biểu tượng cao cả, sinh động, tài sản tinh thần vô giá, nơi ghi lại để cho các thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về tình đoàn kết, lòng dũng cảm, sự hy sinh quên mình của quân và dân hai nước Việt Nam - Lào.
Trong lễ khánh thành và bàn giao Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam cho tỉnh Xaysomboun hồi tháng 11/2017, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Thượng tướng Lakhamphong nhấn mạnh, đất nước và nhân dân Lào luôn khắc ghi vào trang sử vàng vinh quang của dân tộc Lào về sự hy sinh vì nhiệm vụ quốc tế cao cả của các đồng chí quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trên mảnh đất Lào. Đài tưởng niệm Liên minh chiến đấu Lào - Việt Nam là một biểu tượng thể hiện tinh thần anh dũng, kiên cường của các đồng chí quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh ở Lào trong thời kỳ chiến tranh.
Chia sẻ về Đài tưởng niệm liên minh chiến đấu Việt - Lào, Đại tá Sokxay Phimala, Chỉ huy trưởng Chính trị Bộ CHQS tỉnh Attapeu cho biết: "Công trình có ý nghĩa rất đặc biệt, quan trọng đối với Đảng, chính quyền và Nhân dân các bộ tộc Lào của chúng tôi, nó là biểu tượng về tình đoàn kết chiến đấu của quân đội hai nước nói riêng và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào nói chung trong những năm tháng chiến đấu gian khổ đánh giặc ngoại xâm của hai dân tộc. Tượng đài chiến thắng này là pho lịch sử ghi lại trang sử hào hùng về tình đoàn kết thủy chung son sắt, hạt muối bẻ đôi, củ khoai cắn nữa, không thể nào phai mờ giữa quân đội và nhân dân hai nước. Do vậy, không riêng gì tỉnh Attapeu có đài tưởng niệm này mà hầu hết trên đất nước Lào chúng tôi đều có, sẽ giúp các thế hệ trẻ hai nước và bạn bè quốc tế hiểu hơn về tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc, hai đất nước".
GS.TS Saikhong Xayasine, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội hữu nghị Lào-Việt Nam, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Lào, nhận định khi trao đổi với báo chí: “Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam trên đất Lào là biểu tượng trực quan sinh động nhất, nhằm giáo dục các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ hai nước Việt Nam - Lào luôn khắc ghi lịch sử đấu tranh giải phóng thống nhất đất nước, của nhân dân hai nước Việt Nam và Lào, nhằm không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt Việt- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững mà các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đã dày công dựng xây và vun đắp".
Tiếp tục vun đắp tình đoàn và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào |
Quan hệ gắn bó Việt Nam-Lào thể hiện qua các tác phẩm nghệ thuật |