Phó Thủ tướng: Bộ TT&TT cần tích cực đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số

2025-01-17 18:45:18
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Bộ TT&TT cần phát huy thành tựu, tích cực đổi mới sáng tạo và khắc phục thách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI, công nghiệp số để thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Sáng 29/12, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đồng tình cao với báo cáo của Bộ TT&TT về kết quả nổi bật năm 2024 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Phó Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Bộ TT&TT đạt được kết quả to lớn và ghi nhận các ý kiến của bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ để thúc đẩy ngành thông tin truyền thông phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, qua những số liệu dù chưa đầy đủ nhưng đã minh chứng sinh động về sự nỗ lực của toàn ngành. Trong xếp hạng của Chính phủ điện tử thì Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia (tăng 15 bậc so với năm 2022), Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU năm 2024, đứng thứ 17/194 quốc gia (tăng 3 bậc so với 2022).

W-1HAI_2920.jpg
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng các đại biểu tham quan triển lãm về các giải pháp công nghệ. Ảnh: Phạm Hải

Bộ TT&TT đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số. Bộ cũng trình Chính phủ 4 nghị quyết, 6 nghị định, 8 quyết định và 2 chỉ thị. Bộ đã ban hành 27 thông tư. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là nền tảng pháp luật để ngành công nghệ thông tin phát triển vững mạnh.

Dịch vụ công trực tuyến đạt 45% (tăng 28% so với năm 2023). Với hạ tầng số, số thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%, tỷ lệ hộ gia đình dùng internet và cáp quang băng thông rộng đạt 82,9%.

Phó Thủ tướng cũng ghi nhận việc vận hành 5G của Vinaphone và Viettel đã tạo đột phá trong sử dụng internet. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%, phấn đấu đạt 20% vào năm sau.

Phó Thủ tướng khẳng định "đây là những con số biết nói và là minh chứng cho lĩnh vực công nghệ thông tin phát triển nhanh nhất trong tất cả các ngành khi so với thế giới".

Trong lĩnh vực quản lý như báo chí, Phó Thủ tướng nhận định Bộ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn hạn chế, việc thay đổi công nghệ nhanh chóng đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là cơ chế chính sách.

W-PSX_20241229_112656.jpg
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề cập tới việc đảm bảo an toàn và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên môi trường số. Ông dẫn chứng vụ lừa đảo của ''Mr. Pips'' Phó Đức Nam với gần 5.200 tỷ và hơn 2.600 người bị hại. Từ đây đặt ra yêu cầu "phải luôn đi trước, đón đầu, đi nhanh", có giải pháp ngăn chặn, bảo mật tốt, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Ví dụ về chữ ký số, Phó Thủ tướng cho rằng vẫn còn rủi ro như bị chiếm quyền điện thoại, mất máy tính thì dù có password nhưng kẻ xấu vẫn lần ra. Phó Thủ tướng đề nghị phát triển thêm công nghệ để xác thực khuôn mặt, ký hiệu...

Cơ sở dữ liệu và hạ tầng thông tin do còn hạn chế nên việc áp dụng lĩnh vực đa ngành gặp khó khăn.

Về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong đó có mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chip bán dẫn, Phó Thủ tướng cho rằng Bộ TT&TT phải là "tổng tham mưu trưởng" về việc này.

Về lĩnh vực báo chí, Phó Thủ tướng lưu ý cần quản lý chặt chẽ để báo chí là báo chí cách mạng; cần ngăn chặn thông tin xấu độc trên các nền tảng số, nền tảng xuyên biên giới. Thông tin xấu độc "gặm nhấm", làm sai lệch và ảnh hưởng niềm tin của người dân với chính quyền nên cần phải ngăn chặn bằng công nghệ, pháp luật và hợp tác quốc tế.

Cùng với đó là thách thức về cơ chế, chính sách làm dự án công nghệ thông tin, đổi mới hệ thống công nghệ thông tin dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước. Vì hệ thống công nghệ thông tin phát triển nhanh, nếu ban hành theo định mức đơn giá là không theo kịp. Phó Thủ tướng gợi ý tính toán như thế nào để các cơ quan quản lý nhà nước áp dụng đấu thầu, chỉ định thầu được công nghệ tốt nhất, nâng cao hiệu quả về dài hạn, nên cần thống nhất đồng bộ để triển khai.

Năm 2025 và thời gian tới, Phó Thủ tướng mong muốn Bộ TT&TT phát huy kết quả đã đạt được, tích cực đổi mới sáng tạo và khắc phục thách thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, hạ tầng số, áp dụng mạnh mẽ AI, công nghiệp số góp phần thực hiện mục tiêu trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình.

Trên cơ sở nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với những mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Phó Thủ tướng khẳng định đây là "mệnh lệnh" cũng là nhiệm vụ cần tạo sự đột phá cho đất nước phát triển, là kim chỉ nam cho hành động.

Ông yêu cầu cần đẩy mạnh phát triển công nghệ số, tuyên truyền cho người dân hiểu nội hàm kinh tế số.

W-PSX_20241229_112316.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng trao bằng khen cho các tập thể có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong năm 2024. Ảnh: Phạm Hải

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung công tác đấu tranh với thông tin xấu độc từ nền tảng xuyên biên giới bằng công nghệ; phối hợp xử lý pháp luật với các hành vi vi phạm; chống trục lợi, lừa đảo. Tăng cường điều tra, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí và truyền thông, trong đó hoàn thiện Luật Báo chí để báo chí phát triển, chuyển sang giai đoạn thông tin số.

Về hợp nhất Bộ TT&TT và Bộ KH&CN, Phó Thủ tướng khẳng định "sáp nhập thành bộ mới có sức mạnh mới, sứ mệnh lớn hơn và thực hiện hiệu quả hơn".

Hai Bộ có điểm chung nhất là công nghệ nên ông tin tưởng hai bộ sẽ "mạnh hơn, sâu hơn và hiệu quả hơn". Phó Thủ tướng cho biết, hai Bộ trưởng đã có những cuộc làm việc tinh thần nhanh, hiệu quả.

Nguồn bài viết : Bảng đặc biệt tuần

Top