KINH TẾ - XÃ HỘI

2025-01-15 20:41:47

Tiếp tục Chương trình Phiên họp, sáng 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch.

Tại phiên họp, đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) cho biết hiện nay việc đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực nghệ thuật trên toàn quốc đang bị thu hẹp về quy mô, giảm về chất lượng, nhiều ngành, nhiều chuyên ngành không tuyển sinh được; số lượng chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn cao, cán bộ quản lý về văn hóa có chuyên môn ngày càng giảm, các cơ sở đào tạo nghệ thuật gặp khó khăn trong việc tự chủ.

"Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết nguyên nhân, giải pháp để nâng cao chất lượng và tăng số lượng, đáp ứng nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn tới đây," đại biểu Hà Nội chất vấn.

Trả lời đại biểu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết cơ quan quản lý Nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể sẽ có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chính phủ đã có các quy định để khuyến khích, động viên như giảm học phí, có chế độ ưu đãi khi học các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai trên cả nước, không chỉ trong các trường của Bộ.

"Về giải pháp lâu dài, căn cơ cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội Dương Minh Ánh đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tham gia chất vấn tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh về thực trạng phát triển sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam hiện nay còn nghèo nàn, đơn điệu và đề nghị Bộ trưởng làm rõ giải pháp đa dạng sản phẩm du lịch đêm, góp phần giữ chân du khách trong thời gian tới.

Liên quan đến dịch vụ du lịch, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho biết du lịch là một trong tám ngành, nghề nằm trong thỏa thuận ngành nghề được thừa nhận lẫn nhau trong khuôn khổ Cộng đồng kinh tế ASEAN (MRA-TP).

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình thực hiện thoả thuận này đối với dịch vụ du lịch tại Việt Nam. Việc thừa nhận, công nhận lẫn nhau giữa các nước về bằng cấp, chứng chỉ nghề du lịch trong thời gian qua, giải pháp của Bộ trước tác động của vấn đề này đối với nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án khuyến khích các địa phương nghiên cứu, dựa trên yếu tố quy hoạch để đánh giá, phát triển các sản phẩm du lịch đêm. Phấn đấu "mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao."

Đối với mối quan hệ giữa du lịch với văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng "du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa." Trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nhiều địa phương đã và đang làm tốt việc khai thác, phát huy giá trị văn hóa bản địa, từ đó thu hút khách du lịch.

Cũng trong sáng nay, trả lời câu hỏi của đại biểu về công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết công nghiệp văn hóa là vấn đề Đảng ta hết sức quan tâm, đã được ghi vào các văn kiện, các Nghị quyết chuyên đề. Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã có Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quá trình tổ chức thực hiện chiến lược, để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã có đánh giá lại, từ đó nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật; nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa.

"Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá lại tổng quát, có thể thấy đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao," Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên, Thủ tướng đã tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc, nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới. Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Các Nghị quyết của Quốc hội, của Bộ Chính trị đã cho phép Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững./.

"Không thể xa rời nghệ thuật truyền thống khi 'xây' Công nghiệp Văn hóa"

Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn đánh giá Công nghiệp Văn hóa là lĩnh vực sẽ mang lại nhiều giá trị và thúc đẩy các ngành khác phát triển.

(TTXVN/Vietnam+)
Top