KINH TẾ - XÃ HỘI

Cuộc sống ở Hà Nội hơn 30 năm trước qua ảnh của một người Anh

2024-12-20 18:46:26
Cốt cách người Thăng Long - Hà Nội
Hà Nội lắng đọng, tự hào với "bản hùng ca phố”

Ký ức từ những bức ảnh

Chúng tôi đến ngôi biệt thự Pháp cổ (49 Trần Hưng Đạo) - nơi đang diễn ra triển lãm ảnh “Hà Nội - một thời để nhớ” của nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman vào một ngày thu tháng Mười nắng nhuộm vàng con phố. Ngay lối vào triển lãm, nổi bật là bức ảnh đen trắng cỡ lớn, ghi lại hình ảnh hai đứa trẻ đang cười, được chụp bởi nhiếp ảnh gia Andy Soloman.

Bức ảnh "Hai đứa trẻ đang cười" (1992) được đặt ngay đối diện cửa vào triển lãm, gây ấn tượng mạnh đối với khách tham quan.

“Tôi đến Hà Nội lần đầu vào ngày 21 tháng 10 năm 1992. "Hai đứa trẻ đang cười" được chụp trong khoảng thời gian này. Tôi bấm máy khi hai đứa đang chạy về phía tôi. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt hồn nhiên, ngây thơ và tiếng cười trong trẻo của chúng”, Andy Soloman kể.

Bức ảnh "Những tài xế xích lô" (1992) ghi lại những ấn tượng của Andy Soloman về người Hà Nội thân thiện, hiếu khách và cũng rất lãng mạn.

Dưới mỗi bức ảnh, tác giả cũng đều ghi rõ kỷ niệm gắn liền khoảnh khắc ấy. Ở bức ảnh “Những tài xế xích lô”, ông kể: "Khi đi ngang qua phố Nguyễn Quang Bích, tôi thấy một nhóm người lái xích lô đang ngồi tại một quán nhỏ. Họ ra hiệu cho tôi đến gần, mời tôi cùng uống trà, rượu gạo và cùng ăn trưa. Khi ăn xong, tôi ngỏ ý muốn trả tiền cho bữa ăn, nhưng họ nhất quyết không cho. Một người phụ nữ sống gần đó đưa cho con gái một bó hoa hồng. Sau đó, cô bé đã chạy lại và tặng tôi một bông hoa”.

Bức ảnh "Thợ mộc gần cầu Chương Dương" (1992). Người thợ mộc trong ảnh đưa hai tay ra để bắt tay của nhiếp ảnh gia Andy Soloman và mời ông cùng uống trà, hút thuốc.

Theo lời kể của Andy Soloman: Thời gian này, chưa có nhiều những người khách nước ngoài đến Hà Nội. Andy thường được mời vào nhà uống trà, hoặc có khi uống bia hơi với một người lạ. Nhiều người gọi Andy là “Liên Xô” vì tưởng rằng ông là người Nga. Nghe vậy, Andy cười, đáp lời họ, “Tôi là người Anh”. Họ cười vui vẻ sau khi nghe thấy lời đáp và vẫy tay chào ông lần nữa… Chiếc máy ảnh là tấm vé giúp Andy Soloman bước vào cuộc sống của người dân Hà Nội. Trong hành trình ấy, các em nhỏ, những cụ ông, cụ bà, những người công nhân vệ sinh một trường, người bán báo dạo..., tất cả đều trở thành cảm hứng sáng tác bất tận của ông.

Trọn vẹn tình yêu với Hà Nội

Trước khi đến Hà Nội, Andy Soloman là nhiếp ảnh gia, nhà báo, nhà quản lý âm nhạc ở London. Soloman đã định đến Hong Kong (Trung Quốc) làm việc song chuyến đi tới Việt Nam trong hơn ba tháng đã thay đổi cuộc đời ông. Tác giả chọn sống ở Hà Nội bảy năm (1992-1999), làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí và hãng thông tấn. Ông kết hôn một phụ nữ Việt Nam và đón hai con trai tại đây.

Andy Soloman (sinh năm 1962) là nhiếp ảnh gia người Anh. Trong thời gian sống tại Hà Nội, ông làm việc cho nhiều tờ báo, hãng tin trước khi trở thành phóng viên của Reuters vào năm 1997.

Sau năm 1999, Andy Soloman không sống tại Việt Nam, nhưng gia đình ông thường xuyên quay lại Hà Nội. “Thành phố đã thay đổi theo nhiều khía cạnh, nhưng với tôi, bản chất của Hà Nội vẫn vậy. Nguồn năng lượng tích cực và tình người đã cuốn hút tôi từ năm 1992 vẫn sống động cho tới ngày nay. Hà Nội sẽ mãi mãi giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi”, ông nói.

Từ năm 2022, Andy bắt đầu một dự án nhằm tìm lại những người ông đã chụp tại Việt Nam vào năm 1992-1993. Andy nói ông muốn gặp lại những con người đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời ông.

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman chia sẻ với phóng viên Thời Đại sự xúc động khi ông tìm lại được sáu sinh viên trong bức ảnh "Buổi tập trung buổi sáng" (1992).

Từ triển lãm “Hà Nội một thời để nhớ”, nhiếp ảnh gia Lê Bích đã giúp Andy Soloman tìm lại những học sinh mà ông chụp trong bức ảnh “Buổi tập trung buổi sáng”, tại trường Tiểu học Nguyễn Du (Trưng Vương) tại phố Lý Thái Tổ năm 1992.

“Tại cuộc triển lãm, tôi đã gặp sáu đứa trẻ trong bức ảnh, sau 32 năm. Họ rất vui và tặng tôi một chiếc áo phông in chữ Hà Nội thay lời cảm ơn. Điều này thực sự tuyệt vời và ấm áp”, Andy nói.

"Cảm ơn hai nhiếp ảnh gia đã ghi lại các bức ảnh, để chúng cháu được hiểu thêm về một thời đã xa của Hà Nội", Nguyễn Phương Linh và Nguyễn Trung Dũng (20 tuổi, sống tại Hà Nội) chia sẻ cảm nhận sau khi dự triển lãm.

Thông qua triển lãm, Andy Soloman hy vọng sẽ kể lại được những câu chuyện về sự đổi thay của Hà Nội trong thời kỳ Đổi mới bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh. Từ đó, ông cũng mong muốn thế hệ trẻ đang sinh sống tại Thủ đô thêm yêu Hà Nội, thêm trân trọng những gì đang có ngày hôm nay.

Nhiếp ảnh gia Andy Soloman hào hứng chia sẻ về câu chuyện đằng sau các bức ảnh với khách tham quan.

Triển lãm "Hà Nội - một thời để nhớ" gồm 86 bức ảnh đen trắng. Ngoài các tác phẩm về cuộc sống, con người thủ đô thập niên 1990 của Andy Soloman, triển lãm còn giới thiệu những bức ảnh do tác giả Lê Bích thực hiện, ghi lại Hà Nội từ năm 2000 trở đi.

Triển lãm được miễn phí tham quan tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ, 49 phố Trần Hưng Đạo (46 phố Hàng Bài), quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, từ 10/10 đến 31/10/2024.

Khám phá không gian Hà Nội qua góc nhìn của nhiếp ảnh gia Việt Nam và quốc tế
Ngày 21/4 tại Hà Nội, sự kiện “Photo Hanoi’23 - Biennale nhiếp ảnh quốc tế” đã được khai mạc. Đây là cơ hội cho khán giả Thủ đô, các chuyên gia trong lĩnh vực nhiếp ảnh cũng như du khách Việt Nam và quốc tế khám phá những không gian sáng tạo mới.
Nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani: Mang hình ảnh đẹp của đảo Sicily tới công chúng Việt Nam
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Italia - Việt Nam (1973-2023), Casa Italia (Trung tâm văn hóa và thương hiệu Ý) đã tổ chức Triển lãm ảnh cá nhân "Sicily" của nhiếp ảnh gia Fulvio Bugani. Triển lãm nhằm giới thiệu tới công chúng Việt Nam vẻ đẹp của Sicily, hòn đảo lớn nhất tại Địa Trung Hải.
Top