ALOV giao lưu, làm việc với doanh nhân kiều bào trở về xây dựng quê hương |
Kiều bào từ 40 quốc gia trên thế giới tham gia Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu 2022 |
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM, đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề trên.
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM. |
Xây dựng chính sách hướng tới kiều bào
PV: Ông có thể đánh giá tổng thể những đóng góp của kiều bào, đặc biệt là kiều bào trẻ, trong thời gian vừa qua?
Ông Phùng Công Dũng: Trong tổng số 5,3 triệu người VN ở nước ngoài, có hơn 2 triệu người liên hệ với TP.HCM như: có nguồn gốc, thân nhân tại TP; hợp tác, làm việc hoặc thường xuyên lưu trú tại TP. Đa phần người VN ở nước ngoài liên hệ với TP đang sinh sống, làm việc hoặc học tập ở các nước phát triển như Mỹ, Tây Âu, Canada, Úc.
Tại TP.HCM, gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng. Kiều hối về VN năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỉ USD. Riêng tại TP.HCM, kiều hối đạt khoảng 6,6 tỉ USD (tăng 9% so với cùng kỳ).
5,3 triệu là số người VN ở nước ngoài đang sinh sống, làm việc, học tập tại hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ, với vị thế, uy tín ngày càng cao. Hiện có khoảng 500 hội đoàn VN ở nước ngoài, bao gồm các hội đoàn người Việt, các hội doanh nhân, trí thức, sinh viên, hội đồng hương, các hội theo ngành nghề… Các hội đoàn VN ở nước ngoài ngày càng được củng cố về mặt tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong đoàn kết cộng đồng, giữ gìn, quảng bá bản sắc dân tộc, là cầu nối hữu nghị giữa VN và các nước. |
Chỉ tính riêng tại TP.HCM, tính từ đầu đợt dịch COVID-19 lần thứ tư, các tổ chức, cá nhân người VN ở nước ngoài ủng hộ hiện vật, hiện kim trị giá hàng tỉ đồng thông qua nhiều hình thức: tiền mặt và vật tư y tế khác.
PV: Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM, rộng hơn là TP.HCM, đang có chương trình hành động gì nhằm quy tụ và huy động sự đóng góp của kiều bào?
Ông Phùng Công Dũng: TP.HCM đã và đang có nhiều chính sách bố trí, sử dụng trí thức người VN ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc TP như: Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu công nghệ cao… Có chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động.
Tại TP.HCM, thung lũng Sài Gòn Silicon đang được xây dựng trên diện tích 52 ha, với giá trị 38,5 triệu USD dựa trên việc tham khảo mô hình tại Mỹ. Trung tâm này hướng tới việc thu hút doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao và hỗ trợ các ngành công nghiệp, nghiên cứu, sáng tạo.
Hằng năm, chúng tôi tổ chức trại hè cho thanh thiếu niên kiều bào đến từ khắp nơi trên thế giới. Sau hai năm phải ngưng vì dịch COVID-19, hoạt động này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Hội trại kéo dài 4-5 ngày, tạo điều kiện cho các em tham quan danh lam thắng cảnh trong nước, về miền quê bắt cá, bắt cua, ra miền biển tắm biển, gặp mặt bộ đội hải quân bảo vệ Trường Sa. Từ đó, các em hiểu câu chuyện xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, hiểu phong cảnh, đất nước, con người, yêu ẩm thực VN.
Chúng tôi nhất quán về quan điểm: Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM không phải cơ quan quản lý mà là ngôi nhà chung cho kiều bào, nơi kiều bào tin tưởng tìm về với tình cảm chân thành nhất.
PV: Ông có thể chia sẻ ý kiến về chính sách từ trung ương trong việc huy động nguồn lực người VN ở nước ngoài, đặc biệt là kiều bào liên hệ với TP.HCM?
Ông Phùng Công Dũng: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kiều bào rất cởi mở. Trước đây, ta có Nghị quyết 36 (năm 2004) của Bộ Chính trị về công tác đối với người VN ở nước ngoài và mới nhất là Kết luận 12 (năm 2021) của Bộ Chính trị về công tác người VN ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo đó, chúng ta tiếp tục mở ra hướng rộng hơn, thoáng hơn, trong đó chú ý đến việc xây dựng thể chế, quan tâm đến các vấn đề pháp lý, tư cách pháp nhân của người VN ở các nước sở tại.
Mặt khác, chú trọng xây dựng những thiết chế văn hóa ở các cộng đồng người Việt, dạy tiếng mẹ đẻ cho người Việt để họ giữ gìn bản sắc dân tộc, hiểu được chủ trương, chính sách trong nước.
Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút nhiều tri thức, kiều bào đến làm việc. Trong ảnh: Một tổ hợp phòng thí nghiệm robot tại Trung tâm đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt Nhật. Ảnh: TTXVN |
PV: Trong thời gian tới, Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM có những đóng góp gì để tiếp tục cải thiện những chính sách hướng tới kiều bào?
Ông Phùng Công Dũng: Chúng tôi đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao. Một trong những nội dung quan trọng là cùng nghiên cứu, tham mưu cho các bộ, ngành, Quốc hội nhanh chóng sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới những quy định liên quan đến người VN ở nước ngoài, như về đầu tư, quốc tịch...
Nội hàm của khái niệm người VN ở nước ngoài bây giờ rộng hơn trước. Ngoài bao gồm kiều bào theo nghĩa truyền thống, khái niệm này còn bao gồm nhà khoa học đi công tác, định cư ở nước ngoài, sinh viên, du học sinh. Do vậy, khi đóng góp cho chính sách cần căn cứ vào cơ cấu mới này.
Chúng tôi đang tuyển dụng những người giỏi về luật, xây dựng thành một bộ phận nghiên cứu sâu về chính sách và có đề xuất kịp thời.
Định hướng để kiều bào đầu tư hiệu quả
PV: TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số, cần đóng góp lớn từ những kiều bào được đào tạo tại các nước phát triển. Cần chính sách gì để huy động nguồn lực này?
Ông Phùng Công Dũng: Trong cộng đồng người VN ở nước ngoài hiện nay có những giáo sư nổi tiếng dạy tại các trường đại học danh tiếng thế giới và nhiều bạn trẻ tài năng. Việc đãi ngộ vật chất đương nhiên cần được quan tâm để mức đãi ngộ không quá chênh lệch so với nước khác nhưng còn những yếu tố nữa thu hút họ về với quê hương. Chẳng hạn cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm vị trí làm việc tương xứng để họ phát huy năng lực, không phụ thuộc việc có phải là đảng viên hay không.
PV: VN là một trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất, tăng mạnh từng năm. Có cách nào để sử dụng nguồn lực này hiệu quả nhất cho chính kiều bào cũng như TP.HCM?
Ông Phùng Công Dũng: Lượng kiều hối tăng mạnh chứng tỏ kiều bào rất quan tâm đến tình hình đất nước. Trong cơ cấu kiều hối năm 2021, 72% đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, giáo dục; 22% dành cho bất động sản; 6% để tiêu dùng. Đây là cơ cấu khá hợp lý và đáng mừng vì tỉ lệ kiều hối dành cho tiêu dùng không cao, cho thấy bà con biết sử dụng đồng tiền hiệu quả.
PV: Các cơ quan chức năng nên có biện pháp định hướng gì để nguồn đầu tư của kiều bào đi đúng lĩnh vực trọng tâm, tối ưu hóa lợi ích của bà con cũng như đất nước?
Ông Phùng Công Dũng: Câu hỏi này cũng là một gợi ý để chúng tôi thúc đẩy các hoạt động của mình. Khi làm việc với các hiệp hội doanh nhân người Việt ở nhiều nước trên thế giới, chúng tôi sẽ chú trọng giới thiệu những lĩnh vực mà TP.HCM ưu tiên đầu tư, có nhiều cơ hội, như công nghệ số, nông nghiệp công nghệ cao… Từ các hội doanh nhân sẽ lan tỏa tới thành viên và thành viên lan tỏa tới đối tác, bạn bè của mình.
Chúng tôi cũng kết hợp với một số tỉnh, thành như Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp… tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với sự tham gia của kiều bào. Trong những sự kiện này, thế mạnh đặc thù, chế độ ưu đãi của địa phương được giới thiệu đầy đủ. Đây là hướng được ưu tiên đẩy mạnh trong thời gian tới.
PV: Xin cám ơn ông.
Nhiều kiều bào thành tâm muốn cống hiến Thời gian qua có một số gương mặt kiều bào nổi bật gắn với những nhiệm vụ kinh tế - xã hội của TP.HCM. Họ thiết tha đem trí tuệ, công sức, vốn liếng của mình để xây dựng quê hương. Chẳng hạn, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, kiều bào Úc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người VN ở nước ngoài, đang đầu tư rất nhiều tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. Tôi từng tiếp xúc với nhiều du học sinh, họ bày tỏ suy nghĩ đáng trân trọng muốn đóng góp xây dựng đất nước. Nhiều kiều bào trẻ tài năng tâm sự: “Tôi thích tận hưởng sự thay đổi ở VN. Tôi muốn giúp VN phát triển nhất có thể và đang làm điều đó”. Chỉ có một số ít do thiếu thông tin nên chưa rõ xu hướng về VN cống hiến, đầu tư. Nhiệm vụ của chúng tôi và các cơ quan chức năng, hệ thống truyền thông là làm sao để nhóm thiểu số đó hiểu thấu tình hình trong nước. Ông PHÙNG CÔNG DŨNG Anh MAI BÁ NHẤT, kiều bào Thái Lan: Mong hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp Sau thời gian du học, trải nghiệm tại Thái Lan, tôi chọn TP.HCM làm nơi khởi nghiệp với hai công ty trong lĩnh vực thu hút đầu tư FDI và du lịch nghỉ dưỡng. Vì từng trải qua những khó khăn lúc khởi nghiệp, tôi mong chính quyền TP.HCM có nhiều chính sách hỗ trợ người trẻ kinh doanh; thường xuyên tổ chức hội thảo, gặp mặt DN trẻ để lắng nghe. Từ đó giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN. Trong lĩnh vực du lịch, tôi thấy TP.HCM có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cần tiếp tục mở rộng số lượng và nâng cao chất lượng điểm đến. Quan trọng là du lịch của TP cần níu giữ được du khách, tạo cảm giác muốn quay lại tìm hiểu nhiều hơn. Tôi đang tìm kiếm ý tưởng đầu tư vào một bảo tàng số, dùng công nghệ để tạo những không gian 3D có thể thay đổi theo từng thời điểm, chủ đề để thu hút khách du lịch, tạo sự mới mẻ. Tôi luôn tâm niệm làm kinh doanh phải thu hút được nguồn vốn, đóng góp cho ngân sách, giúp TP.HCM và đất nước phát triển. Hơn nữa, tạo ra công ăn việc làm cho người khác là giá trị cốt lõi của DN. Tôi đặt mục tiêu trở thành một doanh nhân xã hội bởi tôi không chỉ muốn tạo lợi nhuận cho DN mà phải đóng góp nhiều lợi ích cho cộng đồng. Trong chặng đường sắp tới, mong rằng những người trẻ như chúng tôi sẽ nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền TP.HCM nhiều hơn nữa. Ông DANIEL NGUYỄN HOÀI TIẾN, kiều bào Mỹ: Khát khao đưa thương hiệu VN ra thế giới Sau một số lần về VN với vai trò chuyên gia tư vấn cho một dự án phát triển ở vùng ĐBSCL, tôi được tiếp xúc với nhiều bà con nông dân và mang ấn tượng khó quên. Vài năm sau, tôi tiếp tục quay về và đến với bà con miền núi phía Bắc. Tôi nhận thấy nước ta giàu tài nguyên thiên nhiên, nhiều nét văn hóa dân tộc rất đẹp, đáng tự hào, cần được lưu giữ và phát triển. VN là nước sản xuất tiêu, gạo, cà phê, ca cao nhiều nhưng khi xuất khẩu sang nước ngoài lại không định vị được thương hiệu rõ ràng. Khi quyết định ở lại khởi nghiệp, tôi khao khát xây dựng các sản phẩm mang thương hiệu VN và đưa ra thị trường quốc tế. Những ngày sống với đồng bào, tôi phát hiện họ có nhiều giống bắp cổ nhưng bị thất lạc, thay vào đó lại trồng bắp Mỹ. Thấy đây là điều đáng tiếc, tôi gõ cửa từng nhà để xin giống bắp này và sau đó thuyết phục bà con trồng lại. Dù năng suất thấp nhưng giống bắp này rất quý, có thể xây dựng được thương hiệu tầm cỡ quốc tế. Lấy việc xây dựng thương hiệu quốc gia làm kim chỉ nam xuyên suốt quá trình kinh doanh, với những sản phẩm do mình làm ra, tôi đều tỉ mỉ thiết kế nhãn mác, bao bì đậm chất truyền thống VN. Tôi đã tìm nghệ nhân tranh Hàng Trống để vẽ lên sản phẩm và rất tự hào về điều đó. Cũng giống như tôi, khá nhiều kiều bào và bạn trẻ trong nước tâm huyết với việc đưa thương hiệu Việt ra thế giới. Cái chính là làm sao tạo được diễn đàn để kết nối DN và Nhà nước đồng hành với nhau. Bởi hiện nay chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ của chúng ta còn hạn chế, chính sách thuế và các thủ tục còn khó khăn. Một số trường hợp không xuất khẩu được sản phẩm truyền thống Việt thì vướng thủ tục. Mong rằng Nhà nước tạo điều kiện nhiều hơn cho các DN vừa và nhỏ, nhất là các DN đang đưa thương hiệu VN ra thị trường quốc tế. Chị BAMBI ĐẶNG, kiều bào Phần Lan: Thủ tục đầu tư cần nhanh chóng hơn nữa Chúng tôi mở công ty tuyển chọn du học sinh và tư vấn khởi nghiệp vì nhận thấy cần tạo điều kiện để các bạn trẻ ở VN cùng một số nước đang phát triển được thụ hưởng nền giáo dục Phần Lan có chất lượng hàng đầu thế giới. Khi phát triển dự án tại VN, chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan. Dù vậy, tôi vẫn mong VN tiếp tục cải thiện cơ chế để khuyến khích DN nước ngoài đầu tư. Thủ tục đầu tư tại VN hiện nay còn kéo dài so với một số nước. Nếu không khắc phục hạn chế này, chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực lớn từ các nước trên thế giới. |
Hội Rồng vàng châu Âu -1976: Nhiều hoạt động thiện nguyện hướng về quê hương |
Kiều bào chia sẻ cơ hội hợp tác kinh doanh tại Xuân Hữu nghị tỉnh Đồng Nai năm 2022 |