Việc xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" phải bảo đảm gọn về tổ chức, nâng cao chất lượng về mọi mặt, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, mà thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị và sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước.
Xây dựng quân đội Nhân dân Việt Nam "tinh, gọn, mạnh" là yêu cầu khách quan để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quá trình xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" đòi hỏi quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm lý luận chủ nghĩa Marx-Lenin về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân; tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội Nhân dân và truyền thống, kinh nghiệm xây dựng lực lượng vũ trang của ông cha ta, cũng như kinh nghiệm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta gần 80 năm qua.
Kiên định nguyên tắc xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, đây là vấn đề cơ bản, nguyên tắc bất di bất dịch xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội Nhân dân, nhằm giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Đảng; là nhân tố quyết định việc hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Yếu tố chính trị toàn diện, bao trùm trên tất cả các lĩnh vực quân sự, hậu cần, kỹ thuật và trên mọi nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, lao động sản xuất, công tác.
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định việc điều chỉnh tổ chức lực lượng quân đội là nhiệm vụ rất hệ trọng, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến nhiều cấp, ngành, đơn vị và tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, chiến sỹ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Tuy nhiên, về nhận thức, cần thấy rõ việc điều chỉnh tổ chức là yêu cầu khách quan, cấp thiết, đáp ứng đòi hỏi của quá trình xây dựng quân đội, đảm bảo cho quân đội ta ngày càng mạnh lên, có tính cơ động cao, cơ cấu tổ chức hợp lý, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo Đại tướng Phan Văn Giang, cùng với những kết quả đạt được, việc điều chỉnh tổ chức, biên chế quân đội còn một số hạn chế, bất cập. Đó là nhận thức của một số cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ, còn biểu hiện xem nhẹ hoặc trông chờ, ỷ lại cấp trên. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chỉ huy, nhất là ở cơ quan chiến lược trong sắp xếp, điều chỉnh lực lượng, giải quyết quân số dôi dư chưa thực sự quyết liệt, đồng bộ. Kết quả chưa đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra...
Những hạn chế trên, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị cũng như tiến trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Do đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, sớm có giải pháp khắc phục kịp thời.
Cùng với việc quán triệt, giáo dục, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần làm tốt công tác lãnh đạo tư tưởng cho cán bộ, chiến sỹ, trực tiếp là các bộ phận trực tiếp được điều chỉnh. Công tác tư tưởng phải đi trước một bước, dự kiến được các tình huống tư tưởng có thể xảy ra khi có sự điều chỉnh, sáp nhập, cổ phần hóa; giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất trong từng cơ quan, đơn vị và toàn quân.
Trên cơ sở thực hiện các kết luận, chỉ thị của Trung ương, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức quần chúng trong giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện; gắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ, chính sách, không để bất ngờ về tư tưởng khi tiến hành sắp xếp biên chế tổ chức theo yêu cầu mới; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Sức mạnh của quân đội là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: con người, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó con người là nhân tố quyết định.
Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng việc xây dựng nhân tố con người, trực tiếp là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ cần được đặc biệt chú trọng trong quá trình xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh," tiến lên hiện đại.
Việc xây dựng nguồn nhân lực cần chú trọng cả về số lượng và chất lượng theo lộ trình hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật của các quân chủng, binh chủng, lực lượng. Cần có sự đột phá trong đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học quân sự, các chuyên gia đầu ngành, đội ngũ nhà giáo ở các học viện, nhà trường quân đội; quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ quân sự, chính trị chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần, kỹ thuật có trình độ, năng lực chuyên môn sâu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; có chính sách đãi ngộ phù hợp, kịp thời để thu hút, quy tụ "nhân tài" phục vụ trong quân đội.
Kế thừa những bài học kinh nghiệm đã được các bậc tiền nhân đúc kết "quân cốt tinh, không cốt đông," Đại tướng Lương Cường lưu ý cần đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, đào tạo sát với yêu cầu nhiệm vụ; trong đó việc tổ chức huấn luyện, đào tạo phải chặt chẽ, linh hoạt, đúng phương châm, quan điểm, nguyên tắc, các mối kết hợp; chú trọng truyền thụ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao năng lực thực hành, làm chủ vũ khí, trang bị, khí tài mới, hiện đại, sức cơ động và khả năng tác chiến trong điều kiện mới cho các đối tượng; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, các phương tiện kỹ thuật hiện đại trong huấn luyện, đào tạo. Qua đó, thực hiện tốt phương châm "chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị," đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cùng với đó, toàn quân nâng cao chất lượng giáo dục chính trị tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sỹ luôn vững vàng, kiên định về lập trường và mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, nhận thức sâu sắc tình hình, nhiệm vụ, những thuận lợi và khó khăn, nêu cao quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ; đấu tranh phòng, chống những tư tưởng sai trái, lệch lạc, những quan điểm thù địch và âm mưu, thủ đoạn "phi chính trị hóa" quân đội của các thế lực thù địch.
Truyền thống gần 80 năm qua của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khẳng định mọi chiến thắng đều xuất phát trước tiên từ bản chất cách mạng của Quân đội ta, từ ý chí quyết tâm, quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sỹ.
Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị) nhấn mạnh trong tình hình mới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm "người trước súng sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh."
Xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh" trong tình hình mới cần tổng thể các giải pháp, nhưng trong đó xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là giải pháp hàng đầu, quan trọng nhất, là nguyên tắc xuyên suốt trong suốt quá trình xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội, để quân đội ta luôn là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành của Đảng, Tổ quốc và nhân dân, làm cho mọi cán bộ, chiến sỹ có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn phát huy được bản chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, tin tưởng vào nghệ thuật quân sự, vào cách đánh, vào vũ khí trang bị của quân đội ta, có ý chí, quyết tâm sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Quân ủy Trung ương nâng cao năng lực dự báo chiến lược, nắm chắc tình hình, tham mưu với Đảng, Nhà nước các đối sách thích hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc.