Huyện nghèo biên giới sẵn sàng cho năm học mới Năm học 2020 -2021 đang đến gần, công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại tựu trường của huyện nghèo biên giới Mường Nhé, ... |
Mường Nhé gắn tuyên truyền vận động nhân dân với củng cố quốc phòng - an ninh Mường Nhé là huyện biên giới khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số, ... |
Trở thành “đại gia” nhờ rừng
Từ xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, đi về phía Tây chừng 50 km là tới Sen Thượng. Sen Thượng đón chào đón du khách bằng một chiếc biển chỉ đường đặt lưng chừng núi. Đi sâu vào bên trong thì chỉ có một màu xanh thẫm của những cánh rừng.
Một góc bản Tả Ló San, xã Sen Tượng, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. |
Nói đến rừng ở Điện Biên, người ta nghĩ ngay tới Sen Thượng, nhưng vào Sen Thượng, nói tới làm rừng, sống được nhờ rừng, hạnh phúc với rừng thì lại phải nói tới bản Tả Ló San. Gập ghềnh, lắc lư, bẻ ngoặt tay lái vài chục cây số rồi cũng tới được Tả Ló San, bản xa nhất của xã (cách trung tâm xã Sen Thượng khoảng 30 cây số đi về hướng Tây). Bản có 27 hộ dân, chủ yếu là người Hà Nhì.
Gia đình anh Lỳ Phu Cà - một hộ gia đình hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), bản Tả Ló San, xã Sen Tượng, huyện Mường Nhé đã xây dựng được một căn nhà mới khang trang từ năm 2018. Không chỉ có ti vi, xe máy, gia đình anh Cà đã đầu tư xây dựng công trình vệ sinh kiên cố và hệ thống bình nước nóng năng lượng mặt trời, một điều kiện sống văn minh mà nhiều người Hà Nhì mong ước.
Trong ngôi nhà mới, anh Cà chia sẻ: Trước đây, kinh tế gia đình rất khó khăn. Hai vợ chồng chủ yếu làm nương rẫy. Gia đình trẻ, nếu chỉ trồng ngô, trồng lúa không có nguồn tiền hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR có được một căn nhà vững trãi và khang trang như thế này là rất khó.
Theo đại diện Quỹ chi trả DVMTR cho biết: Bản Tả Ló San là một bản có diện tích rừng được bảo vệ tốt nhất huyện Mường Nhé. Trong năm 2017, số tiền DVMTR được chi trả cho xã Sen Thượng lên tới 8,1 tỷ đồng, riêng bản Tả Ló San nhận được khoảng 2,2 tỷ đồng. Đây là số tiền người dân được nhận tự sự ủy thác chi trả từ 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, thủy điện Lai Châu và Công ty nước sạch Vinaconex.
Từ khi được hưởng chính sách chi trả DVMTR, cuộc sống của bà con Tả Ló San đã thay đổi, chuyển biến rõ rệt. Những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, các công trình phụ trợ được đầu tư, người dân đã chuyền đổi phương thức canh tác và đầu tư giống cây, con. Đồng thời quy hoạch vùng chăn thả gia súc để phát triển mô hình đại gia súc.
Theo chính quyền địa phương cho biết: Người dân xã Sen Thượng đã thực sự “sống” được nhờ tham gia bảo vệ rừng. Hơn nữa với khoảng 8 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng mỗi năm, đã giúp bà con trong xã từng bước hoàn thành tiêu chí số 10 về thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Rừng là cuộc sống của mỗi gia đình
Ông Thào A Dế (quần áo màu xám), phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé vận động người dân bảo vệ rừng. |
Ông Lỳ Khò Chừ, Trưởng bản Tả Ló San kể: “Người Hà Nhì ở bản Tả Ló San chúng tôi di cư từ xã Mù Cả, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ) sang đây sinh sống đã tròn 20 năm, ngày ấy nhóm chúng tôi chỉ là vài hộ dân, đời sống còn nhiều khó khăn. Bằng việc đánh bắt thủy sản dưới suối và khai hoang đất nương trồng ngô, trồng lúa, người Hà Nhì tự cung cấp đủ cho nhu cầu cuộc sống của họ. Ðến khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con tiếp tục mở rộng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Năm 2011, chính sách chi trả DVMTR được triển khai, người dân nơi đây đã khấm khá hơn rất nhiều.
Dân bản Tả Ló San từ lâu đã gắn bó với rừng, trân trọng những cánh rừng. Họ sống giữa bạt ngàn rừng núi, họ giữ rừng như giữ báu vật... Yêu rừng, họ tuyệt nhiên không để bất cứ người lạ nào xâm chiếm đất rừng và đất bản để ngụ cư. Chính vì vậy bản Tả Ló San không có đồng bào di cư đến, nên có cơ hội phá rừng để làm nương lại càng hiếm xảy ra.
Hơn ai hết, họ hiểu rằng rừng là cuộc sống của mỗi gia đình. Hương ước bảo vệ rừng được dân bản đề ra, được truyền từ đời này sang đời khác. Những đứa trẻ từ khi biết nhận thức đã được bố mẹ, ông bà truyền dạy những luật tục của dân tộc mình về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng, nhất là những khu rừng thiêng của bản.
Qua số liệu thống kê của Ban điều hành Quỹ, tiền dịch vụ môi trường rừng đã nâng cao thu nhập cho hơn 53.000 hộ tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đối với Lưu vực Sông Đà thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt hơn 3 triệu đồng/hộ/năm. Riêng với các hộ gia đình trong cộng đồng bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, trung bình mỗi hộ đạt hơn 90 triệu đồng/hộ/năm.
Cán bộ kiểm lâm và người dân bản Tả Khoa Pá chia sẻ thông tin về các vùng rừng. |
Ông Thào A Dế, phó chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: Chính sách chi trả DVMTR đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng, không chỉ từng bước ngăn chặn tình trạng chặt phá, khai thác rừng trái phép. Chính sách chi trả DVMTR đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo, an cư giữ đất, giữ rừng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới cực Tây của Tổ quốc.
Theo báo cáo tháng 9 của Hạt kiểm lâm Mường Nhé, hiện tại, diện tích tự nhiên của huyện là gần 157.000 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp của huyện lớn tới gần 126.000 ha, chiếm tới 80% so với diện tích tự nhiên; diện tích đất có rừng là gần 83.000ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt gần 53%. Trên địa bàn huyện hiện có 1 tổ chức (Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé), 75 cộng đồng dân cư thôn (bản), 19 hộ gia đình được giao đất, giao rừng. Diện tích rừng đã giao trên 67.000 ha. |
Theo ông Nguyễn Đình Cương – Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Mường Nhé: các tháng cuối năm 2020, Hạt kiểm lâm huyện tập trung triển khai các giải pháp chính như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Lâm nghiệp nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái... Ngoài ra, tiếp tục tổ chức công bố quy hoạch 3 loại rừng ngoài thực địa (lần 2) đối với những vị trí nhân dân kiến nghị chưa rõ ranh giới quy hoạch 3 loại rừng; Xây dựng tờ rơi tuyên truyền khổ lớn (có sơ đồ khu vực rừng cần bảo vệ) để phát cho từng hộ gia đình, bổ sung, lắp đặt các bảng, biển tuyên truyền tại các khu vực rừng trọng điểm, phức tạp và lắp đặt bảng thôn tin, sơ đồ các khu rừnng của bản tại Nhà văn hóa bản. Đồng thời, triển khai giao đất, giao rừng đối với diện tích rừng chưa giao trên địa bàn huyện (khoảng 14.000 ha) xong trước 31/12/2020.
Điện Biên Mường Nhé: Thu nhập 100 triệu đồng từ trồng cam Vinh |
Đến Mường Nhé mục sở thị sự độc đáo trong Lễ Cầu mùa người Si La |