Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam trong hai ngày 23-24/1 theo lời mời của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Berlin đã có cuộc phỏng vấn với ông Rolf Schulze, cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam từ năm 2007-2011, hiện là Chủ tịch Hội Đức-Việt (GBA).
Theo ông Rolf Schulze, chuyến thăm Việt Nam sắp tới của nguyên thủ Đức là minh chứng cho mối quan hệ song phương thân thiết và hữu nghị giữa hai nước.
Ông Rolf Schulze cho biết từ khi là Đại sứ tại Việt Nam, vinh dự được tháp tùng ông Frank-Walter Steinmeier, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao khi đó, tới thăm Việt Nam, ông đã chứng kiến sự quan tâm sâu sắc của ông Steinmeier đối với sự phát triển năng động của Việt Nam.
Một điều đặc biệt là Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức tới thăm Việt Nam chỉ hơn một năm sau chuyến thăm rất thành công của Thủ tướng Olaf Scholz. Đức coi Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng ở châu Á.
Cả hai nước đều coi trọng trật tự quốc tế dựa trên luật lệ trong một thế giới đa cực được điều chỉnh theo các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc.
Đối với cả hai nước, việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và giải quyết hòa bình các xung đột có tầm quan trọng rất lớn.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thính cho rằng chuyến thăm của Tổng thống Steinmeier là dấu mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Đức và là minh chứng cho thành công của đường lối "ngoại giao cây tre."
Đề cập đến những thành tựu trong chính sách đối ngoại của Đức đối với Việt Nam trong nhiều năm, ông Rolf Schulze bày tỏ ấn tượng về các sáng kiến song phương, trong đó nổi bật nhất trong quan hệ Đức-Việt Nam phải kể đến việc ký kết “Quan hệ đối tác chiến lược” vào năm 2011. Thành tựu này đóng vai trò là “lộ trình” cho quá trình hợp tác giữa hai nước.
Một trong những thành tựu lớn khác nữa là việc thành lập Trường Đại học Việt Đức (VGU) vào năm 2008, đã mở ra những “chân trời mới” cho việc trao đổi học thuật giữa hai nước.
Bên cạnh đó, với Trường Quốc tế Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh (IGS), học sinh tốt nghiệp hệ tú tài tại trường quốc tế này, có thể chuyển tiếp trực tiếp lên các trường đại học ở Đức, Thụy Sĩ, Áo và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
“Ngôi nhà Đức” (Deutsches House) tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những dự án đáng tự hào.
Tòa nhà được thiết kế với hai mặt dựng kính chắc chắn và hệ thống thông gió bên ngoài, được xem là công trình hiện đại, tiết kiệm năng lượng trên toàn thế giới.
Tòa nhà cũng giúp người sử dụng có trải nghiệm tốt nhất với khả năng giảm thiểu tối đa tiếng ồn và sự gia nhiệt từ bên ngoài.
Tòa nhà cũng là trụ sở của Tổng Lãnh sự quán Đức, trở thành điểm đến hàng đầu của các công ty Đức và thúc đẩy quan hệ Đức-Việt.
Công nghệ hiện đại của Đức cùng với mức độ bền vững cao tạo ra không gian làm việc sáng tạo với chất lượng vượt trội.
“Ngôi nhà Đức” sẽ là công trình chủ chốt của Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam, với thiết kế đặc biệt xem xét đến các yếu tố phát triển và quy hoạch đô thị.
Một nền tảng rất quan trọng nữa trong quan hệ song phương Đức-Việt là hợp tác thực hiện Thỏa thuận Paris 2015 về biến đổi khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình nghị sự 2030.
Đức ủng hộ “Chiến lược Tăng trưởng Xanh” của Chính phủ Việt Nam và đóng góp cho Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) nhằm “khai mở” nguồn tài chính để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng công bằng và bền vững.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mối quan hệ kinh tế giữa hai nước là một câu chuyện thành công thực sự.
Ông Rolf Schulze khẳng định trong Liên minh châu Âu (EU), Đức cho đến nay là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam.
Tương tự như vậy, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Đức tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo ông Rolf Schulze, ở cấp độ song phương, đào tạo nghề sẽ mang lại nhiều cơ hội hợp tác trong tương lai.
Ở cấp độ quốc tế, cả hai nước cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác trong các tổ chức của Liên hợp quốc. Cùng trao đổi về những thách thức quốc tế sẽ là kịch bản đôi bên cùng có lợi./.