Sáng 8/7, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ 20.
Dự và phát biểu chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: Thanh Hóa là tỉnh có diện tích tự nhiên đứng thứ 5 cả nước, dân số hơn 4 triệu người, đứng thứ 3 cả nước; là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh; có vai trò kết nối vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung Bộ.
Thanh Hóa hội tụ đủ 3 vùng địa lý, các loại hình giao thông, cùng với lợi thế “biển bạc, rừng vàng,” nên rất thuận lợi cho phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực.
Tỉnh Thanh Hóa đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển, trong đó có Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa... Đây được xem là “chìa khóa” quan trọng, tạo tiền đề để Thanh Hóa bứt phá trong tương lai; đồng thời tiếp tục khẳng định sự tin tưởng, kỳ vọng của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Quốc hội, Chính phủ đối với tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội đánh giá với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, lực lượng vũ trang và nhân dân, tỉnh đã đạt được những kết quả khá toàn diện.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước; thành lập mới 1.364 doanh nghiệp, đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đứng đầu cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng Nhân dân, sự tổ chức thực hiện của Ủy ban Nhân dân tỉnh từ khâu lập dự án, đền bù tái định cư, thu hồi đất cũng như lựa chọn nhà thầu thi công có năng lực.
“Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng của Hội đồng Nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa,” Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Hoạt động của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng thực chất, chuyên nghiệp, hiệu quả hơn; tăng cường dân chủ, bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thực tiễn và Nghị quyết của Tỉnh ủy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo luật định.
Hội đồng Nhân dân tỉnh đã lựa chọn, xem xét kịp thời, đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành, các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.
Chủ tịch Quốc hội nhận định trong thời gian tới, tình hình quốc tế có thể còn diễn biến phức tạp, khó lường; đất nước ta bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; kiên trì và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung các khâu đột phá, các nhiệm vụ trọng tâm, tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với huy động sức mạnh của toàn thể nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 7 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch đầu tiên được xây dựng theo Luật Quy hoạch, sẽ tạo lập cơ sở pháp lý để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của biển, đảo Việt Nam, trong đó có 18.000km2 diện tích biển thuộc tỉnh Thanh Hóa.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp tục đánh giá, nghiên cứu, rà soát việc thực hiện các chủ trương của Trung ương; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có Nghị quyết số 37 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, trong cả nước chỉ có hơn 10 địa phương có nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có tỉnh Thanh Hóa. Đây là điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị qua hơn 2 năm thực hiện, tỉnh tiến hành sơ kết Nghị quyết 37 để phát huy mặt đã làm, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh việc đang làm, đồng thời có quyết tâm cao để thực hiện những việc còn lại.
Sau 5 năm tiến hành tổng kết Nghị quyết 37 xem những cơ chế, chính sách gì nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Thanh Hóa tiếp tục phát triển vươn lên.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai có hiệu quả 10 Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, trong đó có nhiều quy định liên quan trực tiếp đến người dân; kịp thời triển khai các quy định về thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Tỉnh Thanh Hóa tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trọng tâm là, thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, hàng hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng, quản lý các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, phát triển công nghiệp theo chiều sâu; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đây là ngành công nghiệp không khói tỉnh cần đặc biệt quan tâm, có nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng gắn với du lịch biển-thế mạnh của tỉnh Thanh Hóa.
Tỉnh tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, kinh tế-xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai các giải pháp quản lý, sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tỉnh tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường, sớm xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải y tế; xây dựng thành phố Thanh Hóa “sáng, xanh, sạch đẹp” thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ nếu tỉnh có nhà máy xử lý rác thì sẽ giảm thiểu tối đa về ô nhiễm môi trường, người dân sẽ an tâm, khách du lịch đến với Thanh Hóa cũng ngày càng đông hơn.
Theo báo cáo của tỉnh, một ngày có khoảng 400-500 tấn rác thải mà tỉnh chưa có nhà máy xử lý rác thải tiên tiến, hiện đại.
“Phải học tập các nước, học tập các địa phương làm sao công nghệ xử lý rác thải tiên tiến, phải phân loại, xử lý ngay được,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu, phải nỗ lực, quyết tâm thật sự; đoàn kết, thống nhất thật sự; dân chủ, công tâm, vô tư; trước hết là vì dân, vì nước, vì sự phát triển bền vững của tỉnh; triển khai công việc chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội Đảng các cấp và bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031.
Đối với Hội đồng Nhân dân tỉnh, phương châm hoạt động là “Trách nhiệm, đổi mới, chuyên nghiệp, hiệu quả.”
Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị các kỳ họp; hoạt động trong kỳ họp, chất lượng thẩm tra các báo cáo, thẩm tra chuyên đề cũng như hoạt động giám sát của Hội đồng Nhân dân, làm sao thiết thực, cụ thể, trúng, đúng những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm; chú trọng công tác phối hợp với Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan, tổ chức liên quan.
Các đại biểu Hội đồng Nhân dân thực sự tâm huyết, trách nhiệm, trình độ, kinh nghiệm, uy tín và trí tuệ, bản lĩnh trong công việc; chủ động, tích cực, khoa học, bài bản, sát với thực tiễn, “đúng vai, thuộc bài.”
Sáng 8/7/2024, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại Kỳ họp thứ 20, Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khoá 18, nhiệm kỳ 2021-2026.
Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang và tinh thần sáng tạo, tiên phong trong công cuộc đổi mới đất nước, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục “Đoàn kết trong đảng, đoàn kết trong hệ thống chính trị, đoàn kết trong toàn dân, toàn quân,” vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện mục tiêu đến năm 2030 “là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại,” “là một cực tăng trưởng ở phía Bắc của Tổ quốc,” đến năm 2045 “là tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.”
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội trân trọng gửi đến các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ, người có công với cách mạng của tỉnh Thanh Hóa lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh triển khai tốt các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa cho các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trong thời gian tới.
Trước đó, phát biểu khai mạc Kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đây là tiền đề, tiếp thêm động lực để Thanh Hóa phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo.
Kỳ họp thứ 20 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra từ ngày 8-10/7.
Tại kỳ họp quan trọng này, Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ xem xét, quyết định những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền.
Cụ thể, Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ xem xét các báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh; kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp và một số báo cáo quan trọng khác.
Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng xem xét các tờ trình của Thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các dự thảo nghị quyết kèm theo và các báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng Nhân dân tỉnh; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên của Ủy ban Nhân dân tỉnh.../.