Hàn Quốc rộng cửa đón lao động nước ngoài |
Người lao động dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tối đa 4 triệu đồng |
Anh Nguyễn Ngọc Tài, sinh năm 1992 ở xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong được Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đào tạo để đi làm việc ở nước ngoài. Sau khi hết hợp đồng lao động 5 năm trong lĩnh vực công nghiệp ở Hàn Quốc, anh tiếp tục được doanh nghiệp mời ở lại lao động đợt thứ 2.
Hiện anh Tài đang có năm thứ 6 lao động ở Hàn Quốc với thu nhập trung bình mỗi tháng 70 triệu đồng. Quảng Trị có rất nhiều người do trung Tâm đào tạo rồi đưa đi lao động nước ngoài theo hợp đồng thành công như anh Tài. Hằng ngày, tại Trung tâm có nhiều người đến đăng ký học để đi xuất khẩu lao động.
Đào tạo kỹ năng nghề cho học viên tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị. (Ảnh: Nhân Dân) |
Trao đổi với báo chí, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị Võ Văn Hoàn cho biết, Trung tâm là đơn vị duy nhất được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ tiếp nhận và hướng dẫn quy trình đăng ký đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (EPS).
Trung tâm đã tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong tỉnh tiếp cận với cơ hội việc làm theo chương trình EPS. Từ 5/2005 đến tháng 6/2023, có hơn 4.500 lao động Quảng Trị xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS.
Riêng từ đầu năm 2023 đến nay có 330 lao động xuất cảnh; hơn 1.000 người lao động đăng ký dự thi theo chương trình EPS năm 2023 cho 4 ngành: sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp; 650 lao động đăng ký học tiếng Hàn dự nguồn cho kỳ thi tới; hơn 700 hồ sơ đang chờ chủ sử dụng lựa chọn và xuất cảnh.
Để tạo điều kiện cho người lao động trên địa bàn tiếp cận với chương trình EPS, ngoài việc thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị tăng cường các giải pháp hỗ trợ người lao động về ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, giáo dục định hướng nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu lao động.
Đồng thời, thông tin, tuyên truyền rộng rãi các chính sách ưu đãi của Hàn Quốc đối với người lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng thời hạn; người lao động mẫu mực, tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc. Thông qua hoạt động tuyên truyền sẽ giúp người lao động tuân thủ pháp luật Hàn Quốc, chấp hành tốt hợp đồng và về nước đúng thời hạn khi kết thúc hợp đồng, góp phần giảm số lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc.
Theo chương trình EPS, lao động nước ngoài được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như người lao động Hàn Quốc. Đây cũng là chương trình xuất khẩu lao động có chi phí tham gia rẻ nhất, dao động khoảng từ 35 - 40 triệu đồng; có những chính sách ưu đãi đối với lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các chính sách của Nhà nước liên quan khác. Người lao động được hỗ trợ về chọn ngành nghề và các ưu đãi về hỗ trợ chi phí học, thủ tục xuất cảnh; chương trình tuyển dụng độ tuổi dài nhất từ 18 đến dưới 39 tuổi; không yêu cầu trình độ, bằng cấp. Để tham gia vào chương trình này, người lao động phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Sau khi đạt yêu cầu 2 vòng thi, người lao động sẽ được khám sức khỏe và làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc. |
Tỉnh Tuyên Quang nỗ lực thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc |
Hội hữu nghị hai nước Việt - Hàn phối hợp làm cầu nối thúc đẩy giao lưu nhân dân |