TƯ LIỆU ĐỊA PHƯƠNG

Nghệ nhân Ba Na tích cực bảo tồn văn hóa cồng chiêng

2024-12-21 13:15:43
Nghệ thuật khèn của người Mông được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Nghệ sĩ vĩ cầm Bùi Công Duy kể chuyện làm ngoại giao văn hóa

Ngồi bên hiên nhà, nghệ nhân A Hưng say sưa giới thiệu với chúng tôi những bài nhạc do chính ông sáng tác. Gia tài với hơn 40 bài hát bằng tiếng Ba Na được ông ghi chép tỉ mỉ trong cuốn vở với nét chữ khá đẹp và trau chuốt. Vừa giải thích về từng nốt, lời nhạc, A Hưng không giấu được niềm vui trong đôi mắt: “Nếu không được sáng tác, dạy nhạc hằng ngày thì chắc tôi chẳng còn niềm vui nào lớn trong cuộc sống. Cứ rảnh là tôi lại nghĩ đến những nốt nhạc, những giai điệu quê hương để sáng tạo nên những bài hát cho riêng mình”.

Cồng chiêng là tài sản quý giá đối với nghệ nhân A Hưng. Ảnh: H.T

Bởi vì đam mê và am hiểu nhạc lý, có khả năng sáng tác nên khi đến với bộ môn cồng chiêng, nghệ nhân A Hưng tiếp cận và học hỏi rất nhanh. Trong số bài hát ông sáng tác, nhiều bài dành riêng cho biểu diễn cồng chiêng và được tập luyện, phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Ngoài ra, ông còn am hiểu và có thể chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống khác, nhưng tình yêu với cồng chiêng vẫn sâu đậm hơn cả.

Rồi ông khệ nệ mang bộ cồng chiêng quý của gia đình ra giới thiệu và trình diễn cho chúng tôi nghe. Chiêng lớn, chiêng nhỏ, trống, dùi, dụng cụ chỉnh chiêng... đủ các loại đều được ông phân loại và bảo quản rất kỹ. Theo ông, âm thanh chiêng cồng trầm bổng đã cuốn hút ông, làm ông “say” và đam mê tìm hiểu không biết mệt mỏi.

Vì am hiểu âm nhạc cơ bản, ông học và tiếp thu các kiến thức, kỹ năng về chiêng rất nhanh. Ông có thói quen ghi chép tỉ mỉ, chính xác từng kỹ thuật, giai điệu nghe được để làm tư liệu riêng, sau đó sẽ nghiên cứu và phát triển dần. Ông cũng cho rằng đó là bí quyết giúp ông thành thạo và giỏi chiêng nhanh chóng.

Nghệ nhân A Hưng giới thiệu những bài nhạc do ông sáng tác. Ảnh: H.T

Hiện tại, nghệ nhân A Hưng là một trong số ít nghệ nhân trên địa bàn thành phố Kon Tum hiểu rõ về âm thanh, đặc tính của cồng, chiêng, có khả năng diễn tấu chuẩn xác và chỉnh sửa chiêng đạt chuẩn. Tại lớp tập huấn kỹ thuật chỉnh âm cồng, chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào tháng 6 vừa qua, nghệ nhân A Hưng là một trong hai nghệ nhân đại diện cho thành phố Kon Tum tham gia tập huấn để trở thành “hạt nhân” trong truyền dạy kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng của tỉnh.

Nghệ nhân A Hưng chia sẻ: “Người chỉnh chiêng giỏi không chỉ nắm vững kỹ thuật chỉnh mà còn phải có đôi tai nhạy cảm để cảm nhận nhiều sắc thái của “hồn” chiêng như lúc trầm, lúc bổng, lúc mượt mà, lúc lôi cuốn, hùng hồn. Để làm được những điều ấy thì phải có tình yêu, đam mê thật sự. Đây cũng là điều tôi luôn trăn trở khi dạy các em nhỏ tại làng, để làm sao các em học và chơi chiêng bằng cả tấm lòng, tình yêu thì mới góp phần gìn giữ, bảo tồn được đến các thế hệ mai sau”.

Bên cạnh tham gia diễn tấu cồng chiêng vào các dịp lễ hội lớn, nhỏ tại làng, nghệ nhân A Hưng hiện tại được xem như “quân sư” cho các đội chiêng tại địa phương. Ở những dịp lễ hội, cuộc thi quan trọng do địa phương tổ chức, ông được mời quán xuyến, đôn đốc việc tập luyện và đạt được nhiều giải cao. Bên cạnh đó, ông thường xuyên được các địa phương, trường học mời dạy các lớp cồng chiêng cho các em học sinh. Lớp học nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, không chỉ dạy về kỹ thuật mà ông còn khơi dậy niềm đam mê mãnh liệt cho các em nhỏ đối với cồng chiêng, văn hóa bản sắc dân tộc.

Nhờ sự chỉ dạy của nghệ nhân A Hưng, đến nay, có rất nhiều em học sinh tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã đánh chiêng thành thạo. Thôn Kon Rờ Bàng 1 duy trì các đội cồng chiêng, múa xoang nhí tham gia ở nhiều sự kiện văn hóa lớn, nhỏ do địa phương tổ chức. Với sự dìu dắt của nghệ nhân A Hưng, giờ đây, hầu hết các em nhỏ trong làng và ở những làng lân cận đều đam mê đánh chiêng, múa xoang.

Nghệ nhân A Hưng truyền dạy kỹ thuật chỉnh âm cồng chiêng. Ảnh: H.T

Em A Mun, học sinh lớp 10 Trường THPT Ngô Mây (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) cho biết: “Nhà em ở thôn Kon Rờ Bàng 1 nên em đã được học đánh cồng, chiêng từ nghệ nhân A Hưng từ nhỏ. Khi lên lớp 10, trường của em mở lớp dạy cồng chiêng và mời thầy A Hưng về dạy nên em có cơ hội được tiếp tục học chiêng từ thầy. Từ sự chỉ dạy của thầy, em không chỉ biết đánh cồng chiêng mà còn am hiểu và yêu quý, tự hào về các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Em rất biết ơn thầy A Hưng”.

Thôn Kon Rờ Bàng 1 hiện duy trì đội cồng chiêng người lớn trên 20 người. Dù không trực tiếp tham gia quản lý và tập luyện cùng đội, nhưng mỗi dịp quan trọng, nghệ nhân A Hưng đều được đội chiêng của làng mời về đứng lớp, chỉnh sửa kỹ thuật cho những tiết mục quan trọng.

Nghệ nhân A Thâm - Đội phó Đội chiêng thôn Kon Rờ Bàng 1 cho biết: “Nhờ có nghệ nhân A Hưng mà đội chiêng chúng tôi luôn có những tiết mục hay và độc đáo trong các sự kiện văn hóa lớn, nhỏ. Ai cũng yêu quý và nghe theo sự chỉ dạy, tư vấn tận tình từ ông”.

Với nhiệt huyết và tài năng của mình, nghệ nhân A Hưng được nhiều địa phương mời về dạy cồng chiêng, âm nhạc truyền thống. Hiện tại, ông khá bận rộn vì đảm nhiệm nhiều lớp dạy chiêng cho các trường học, nhà thờ, một số làng người Ba Na trên địa bàn tỉnh. Với tấm lòng nhiệt huyết của một nghệ nhân, ông không quản ngại đường sá xa xôi để đi tận nơi truyền dạy cồng chiêng cho bà con, chỉ tranh thủ về nhà mỗi cuối tuần. Đối với ông, chỉ cần thấy văn hóa của dân tộc mình, trong đó có cồng chiêng được giữ gìn thì bao nhiêu mệt mỏi, vất vả như tan biến.

Nghệ nhân A Hưng chia sẻ: “Tôi hy vọng rằng thế hệ trẻ sẽ luôn say mê cồng chiêng, gìn giữ và phát huy như các thế hệ cha ông đi trước. Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục cố gắng với đam mê của mình, tiếp tục truyền dạy cồng chiêng, sáng tác âm nhạc dân tộc”.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể 43 DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Theo thống kê, tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 54%, có 7 DTTS tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm; toàn tỉnh có 503 thôn (làng) đồng bào DTTS tại chỗ. Bằng nhiều hình thức phù hợp, các cấp, các ngành của Kon Tum đã tập trung chỉ đạo, triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể các DTTS trên địa bàn.
Dự án nghệ thuật khắc họa hình ảnh các vũ công ba lê Ukraine nhảy múa trên vỏ đạn
“Unbroken” - tác phẩm nghệ thuật sắp đặt đầy ấn tượng đã được dựng lên phía trước Nhà hát Opera Quốc gia Ukraine ở Thủ đô Kiev, nhằm khắc hoạ nên hình ảnh một nữ diễn viên ba lê trên những vỏ đạn.

Theo Báo Kon Tum

https://www.baokontum.com.vn/dat-nguoi-kon-tum/nghe-nhan-ba-na-tich-cuc-bao-ton-van-hoa-cong-chieng-32253.html

Top